Mùa Xuân Im Lặng Trong Ðôi Guốc
Con cái đã quên, không còn ai nhớ đến đôi guốc mộc. Sau đám
tang của mẹ, mấy người con gom quần áo của bà đốt hết. Riêng đôi guốc gỗ nằm
nơi xó tường nên chả người con nào để ý. Mấy tháng, kể từ ngày bà nằm trên
giường bệnh, đôi guốc lúc bị đá vào xó tường này, lúc bị đẩy sang góc tối kia,
đến độ người nhà không còn để ý nó là đôi guốc của ai.
Từ ngày theo người mẹ đó về nhà, đôi guốc giã từ những
tháng ngày thong thả, mơ mộng trên quầy hàng.
* * *
Thủa xưa, khách vào ra, ngắm nghía, nâng niu, chủ hàng chẳng
bao giờ để đôi guốc bám bụi. Ðôi guốc chả phải làm gì, sống như thế thật nhàn
hạ. Nhưng nếu nghĩ cho cùng, cũng không thiếu nhàm chán, chả có gì mới mẻ trong
cuộc sống cả. Ðôi lúc, đôi guốc nghe như có hai tiếng nói thì thầm trong hồn
nó. Một là bảo nó cứ nằm yên ở đây cho nhàn hạ, hai là bảo nó hãy bỏ đây xuống
đời tìm cho cuộc sống một ý nghĩa.
- Chả nhẽ cứ tiếp tục là đôi guốc nằm trên quầy hàng như
thế này mãi sao?
Nó không phải là đồ trang sức, không phải là bức tranh cho
người ta ngắm. Có nhàn hạ, nhưng nằm mãi ở đây thế này nó bắt đầu thấy chán,
càng ngày càng thấm thía những suy nghĩ về một cõi sống trên những nẻo đường
của cuộc đời. Nhưng mỗi khi nhìn đôi guốc dưới chân các bà mẹ, nó lại nghe
tiếng nói khác thì thầm: "Vất vả quá!" Có đôi guốc sứt mẻ. Có đôi
guốc mòn xác xơ. Ðiều đó làm nó nghĩ ngợi.
Ðời là một chọn lựa. Cứ tiếp tục suốt đời giam mình ở đây
hay bước xuống đường để ra đi đây đó? Sau cùng nó quyết định ra đi.
Một trưa xế nắng kia, có người thiếu phụ vào tìm mua đôi
guốc. Chủ hàng đem nó ra giới thiệu. Nhìn dáng người thiếu phụ, đôi guốc biết
người đàn bà ấy thật thà, nhưng thấy dáng bà có vẻ nghèo. Những người nghèo
thường vất vả. Bước chân của người nghèo là bước chân khổ. Làm thân guốc cho
một người nghèo vất vả lắm. Thật thà mà nghèo chắc cũng chả hạnh phúc. Cuộc
sống bây giờ chẳng ai quý người nghèo. Càng suy nghĩ, đôi guốc càng lưỡng lự,
cứ sợ người đàn bà ấy chọn mua mình.
Nó phân vân không biết có nên theo chân bà ta hay không.
Ðời luôn là phải chọn lựa như thế. Vất vả, nghèo mà thật thà, đặc tính của
người muốn mua nó có vậy thôi. Ðôi guốc nghĩ thầm: "Ðến lúc muốn ra đi,
lại gặp phải người đàn bà nghèo thế này. Hay ta chờ một người đàn bà khác giàu
có. Theo chân người giàu sẽ sung sướng hơn?"
Trong lúc nó phân vân, người đàn bà cầm đôi guốc ngắm
nghía, cho xuống chân ướm thử. Một làn hương thơm huyền nhiệm toát ra từ đôi
chân bụi đường. Ðôi guốc vô cùng kinh ngạc, làm sao điều ấy có thể xảy ra được.
Nó đã được nhiều đôi chân đẹp ướm thử mà chưa bao giờ có hiện tượng lạ lùng như
thế. Phải là đôi chân dịu dàng mới toát ra vị thanh tao được chứ. Ðôi chân trần
của người đàn bà nhà quê mốc thếch. Làm sao đôi chân lấm lem lại có thể toát ra
một hương nhân đức kỳ bí được. Nó không ngờ. Ðiều huyền diệu ấy, tiếng lương
tâm đôi guốc bảo cho nó biết rõ là đến từ lòng thật thà, bao dung, vất vả hy
sinh của người mẹ kia. Bấy giờ, nó hối hận vì quá vội nghi ngờ đánh giá khi
nhìn sự nghèo khó bên ngoài. Lòng hối hận ấy làm nó bừng lên một ước ao mãnh
liệt là được theo chân bà. Linh tính cho nó biết nơi dấu chân người mẹ này có
một thế giới huyền diệu. Nhưng người mẹ băn khoăn đặt nó vào kệ gỗ vì bà không
đủ tiền.
Ðôi guốc gỗ mím môi tiếc xót vì từng bị thử dưới bao đôi
chân, chưa thấy bước chân nào kỳ lạ như bước chân của người mẹ này. Giữa lúc nó
muốn theo chân người đàn bà để khám phá thế giới linh thiêng kỳ bí đó, bà lại
không đủ tiền mua nó. Bà tần ngần đặt đôi guốc lại kệ gỗ.
Người chủ hàng chỉ bán rẻ những đôi guốc bị nứt thôi. Ðôi
guốc nghĩ thầm: "Hay là ta đánh đổi đời mình thành đôi guốc nứt?" Nếy
vậy, còn gì dáng vẻ, vì cả một đời sẽ mang dấu vết nứt đó. Ðôi guốc suy nghĩ
quay quắt về một chuyến đi trong đời.
Người đàn bà lại cầm nó trên tay, tiếc vì không đủ tiền.
Ðôi guốc giật mình nghĩ rằng đời không có nhiều cơ hội. Nếu bà không đủ tiền
mua nó, bao giờ bà sẽ quay lại? Có thể sẽ không bao giờ. Nếu bà đặt nó trở lại
quày hàng, biết đâu nó sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại bà? Nó lấy hết can
đảm theo tiếng gọi thâm sâu của linh hồn, chấp nhận một thương đau cho khởi đầu
một chân trời kỳ bí kia đang chờ đón. Nó quyết định chấp nhận đời mình thành
đôi guốc nứt. Tức khắc, ngay khi quết định xong, nó nghe như trong linh thiêng
có một trận chiến vô hình. Tiếng nói của Bóng Tối gục xuống. Tiếng nói của Ánh
Sáng bừng lên. Cũng trong lúc ấy, như chiều cao thập giá đổ xuống, một vết
thương xước ra, chạy dài toàn thân. Nó ngất lịm. Thế là nó thành một đôi guốc
nứt.
Người đàn bà giơ lên nhìn kỹ. Bà ồ lên một tiếng thở nhẹ,
vui mừng vì một khám phá:
- Ông chủ tiệm ơi, nhìn kỹ đi, đôi guốc có vết nứt đầy này.
Người chủ tiệm tiếc rẻ. Ngần ngừ, ông đành bán tống nó đi.
Lúc tỉnh dậy, đôi guốc đã về đến nhà người đàn bà. Bà xoa
xoa vết nứt, tìm mũi đinh đóng lại. Một lần nữa, nó đau buốt thân mình. Nhưng
trong mỗi nhát búa, nó thấy mùa xuân đang về trên những nhánh gai. Nó bắt đầu
cảm thấy ý nghĩa của nước mắt và hạnh phúc. "Tôi sẽ theo chân bà ta đi đâu
bây giờ?" Trời đang vào hạ hanh nắng hay cúc vàng nhuộm xuân. Nó hồi hộp
tự hỏi.
Ngày hôm sau, ngay chuyến đi đầu tiên nó đã mệt rã rời.
Trời xuống tối, bà vẫn chưa về đến nhà. Quẩy gánh nặng trên vai. Con đường cứ
dài thăm thẳm, toàn thân mình đau ê ẩm. Ðường đất miền quê sỏi đá gồ ghề, ngay
chân bà cũng trượt té trầy da huống chi đôi guốc. Nó bị nện xuống gập ghềnh.
Như vậy mà đã từ bao lâu nay người mẹ này cứ bước chân không, nghĩ đến nỗi đau,
nó thấy xót xa cho bà. Nhìn xuống nỗi đau của mình, nó muốn chia sẻ với bà nỗi
đau kia. Lạ lùng quá, khi mới chợt có ý nghĩ ấy, nó thấy toàn thân nóng bừng,
và trên nỗi đau nó thấy ý nghĩa ngọt ngào của hy sinh.
Qua một buổi chiều mà đôi guốc đã khám phá bao nhiêu bí mật
đời sống dưới bàn chân một người mẹ:
- Hy sinh bao giờ cũng có hương thơm có thể bay ngược chiều
gió.
- Chịu đựng bao giờ cũng cho tâm hồn nét đẹp cao thượng.
- Gánh nặng vì tình yêu luôn luôn đi đôi với sức mạnh.
- Thật thà là mật ngọt nuôi dưỡng bình an.
- Nhẫn nại là những đường may nối dài tình thương.
Quá mệt, đôi guốc ngủ thiêm thiếp lúc nào không hay. Lúc
ướt lạnh, nó co người rùng mình thì người mẹ đã đang ở bờ giếng kéo nước đổ vào
nồi cám nấu cho heo. Ðôi guốc bàng hoàng không biết trời đang vào khuya hay đã
về sáng. Chung quanh chỉ là đêm tối lần mò. Nó lắng nghe bước chân. Người mẹ
hết quanh quẩn trong góc bếp lại ra cầu ao. Khuya thế này rồi sao bà không nghỉ
ngơi? Ðôi guốc mệt đừ.
*
* *
Thời gian thấm thoát
thoi đưa. Thoát chốc đã đến ngày đôi guốc mòn quá rồi. Bây giờ nó không còn là
hình dạng đôi guốc ngày xưa trong cửa hàng nữa. Xấu xí, lem luốc, nứt nẻ. Nhìn
lại quãng đời, đôi guốc không thể biết được nó đã bước bao nhiêu đường dài. Nếu
mỗi ngày bà mẹ quẩy gánh 10 cây số, thì 365 ngày một năm, đã trên 3 ngàn cây số
rồi. Trời ơi! Ðôi guốc không ngờ nó đã đồng hành với bà trên một dặm đường dài
hơn cả đất nước của người đàn bà như thế.
Ðôi guốc không hiểu sao
nó có sức chịu đựng trung thành theo chân bà. Nó còn nhớ ngày xưa nằm trên quầy
tủ cửa hàng, mới chỉ nghĩ đến ra đi đã ngao ngán quá rồi. Vậy đâu là sức mạnh?
Gần đến cuối đời, đôi guốc nhìn lại những bến bờ đã đi qua, nó thấy cộng lại
những cây số ngàn ấy, không bước chân nào của bà mẹ không có tình thương. Từ
sớm tinh mơ đến tan chợ chiều, bà vất vả cũng vì các con mà thôi. Từ đó, đôi
guốc khám phá ra khi nó được chia sẻ đời nó trong tình yêu, tình yêu cho nó sức
mạnh. Bất cứ nơi nào có tình yêu thì có sức sống. Bất cứ gỗ đá nào chạm vào
tình yêu cũng thành trái tim mềm mại thiết tha. Và nó hiểu, nó không đi tìm mùa
xuân vì chính nó đang làm nên mùa xuân cho cuộc đời.
* * *
Thưa mẹ, con còn nhớ một đêm kia, khuya quá khuya, mẹ ngồi
bên con, nhìn con trong cơn sốt. Làm sao mẹ có đôi đũa thần của bà tiên quyền
phép làm cho con hết cơn đau. Mẹ cứ ngồi bên con vậy thôi. Mẹ không an lòng rời
xa con. Me đặt tay lên trán con chờ mong từng giây cho con hết bệnh. Muốn uống
một ly sữa, con chỉ cần đưa chiếc ly lên miệng uống là xong. Bây giờ nhìn lại,
con thấy đêm đó, khi chợt nghe con muốn một ly sữa, mẹ vội thắp thêm đèn, chiếc
đèn dầu con tù mù, lệch kệch ra sau vườn kéo gầu nước, nhóm bếp củi mù than đun
nước. Mẹ hối hả không ngại ngùng gõ cửa hàng vào những giờ người ta không muốn
thức giấc để mua, hòa cho con một ly sữa.
* * *
Sau khi bà mẹ chết, đôi guốc nằm im lặng nơi góc tường tối.
Không người con nào để ý. Nó âm thầm một đời theo chân người mẹ, hy sinh, vất
vả, chịu đựng. Lúc người mẹ còn sống, đôi guốc đã âm thầm như thế. Bây giờ bà chết
rồi, nó vẫn tiếp tục cái âm thầm của bao tháng ngày về trước. Chẳng lẽ bất cứ
điều gì liên quan tới mẹ đều lặng lẽ như thế sao?
Tình yêu của những người mẹ dường như bao giờ cũng âm thầm.
Xin những người con hãy khuya động tình yêu âm thầm ấy của mẹ bằng một cánh hoa
linh hồn.
Kìa, ngoài kia đất trời đã đang chuyển mình tìm mùa xuân.
Lạy Chúa, con cũng đang đi tìm mùa xuân cho cuộc đời. Chân
đi trong đời để tìm mùa xuân nhiều khi rất đau. Và bây giờ con hiểu, con nhớ
tới đôi guốc của mẹ con.
Phêrô Môn Ðệ Bị Mắng
Gom nhặt những đoạn Phúc Âm nói về phêrô, ta thấy một mảnh
đời của ông có nét chân dung thế này: Là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.
Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin! (Mt 14:31). Lần thứ hai:
Ngu tối! (Mt 15:16). Lần thứ ba: Satan! (Mc 8:33).
Không biết sau khi Phêrô được Chúa gọi ở biển hồ (Mt 4:18)
bao lâu, mấy tuần, mấy tháng thì chuyện xảy ra. Chuyện đầu tiên được Phúc Âm
ghi nhận là Phêrô bị mắng.
Mắng lần thứ nhất:
Ðêm đó, Chúa hiện đến, đi trên biển. Chưa ai đi trên biển
bao giờ. Các môn đệ hoảng hốt la lớn: "Ma! Ma!" Chúa bảo không phải
ma, là Chúa. Nghe thì biết vậy chứ làm sao tin được? Các môn đệ bán tín bán
nghi, không biết Chúa thật hay ma. Phêrô là kẻ thách đố bóng người đi trên biển
ấy:
- Nếu là Chúa thật, truyền cho tôi đi trên mặt nước xem
sao!
Bóng người ấy truyền cho Phêrô:
- Hãy đến!
Phêrô liền bước xuống biển, đi. Giả sử không phải Chúa, ma
đánh lừa thì cái gì xảy đến cho ông? Chắc chắn ông bị chìm xuống biển ngay.
Theo thói thường của kẻ cân nhắc trước sau, ông không nên làm thế. Nên xin một
dấu lạ nào khác không nguy hiểm đến mình có phải là khôn ngoan hơn không.
Nghe bóng người ấy nói: "Hãy đến!" Sao ông không
dè dặt đặt vấn đề: "Chúa thật hay ma?" Giơ chân đạp thử xem nước cứng
không đã. Chả biết lúc đó ông nghĩ thế nào, ông nhảy xuống nước ngay. Theo Tin
Mừng thuật, ông đã đi được trên biển. Ði được rồi, lúc ấy ông phải xác quyết
đây không phải là ma, là Thầy chứ. Sự thật đã rõ, ông phải chắc ăn chứ. Nhưng
chung cuộc cho thấy ông đã chìm. Cách hành xử ấy cho ta cảm tưởng ông hành động
ào ào, không suy nghĩ là bao. Thấy mình đang lênh đênh trên nước ông mới giật
mình kinh hoàng. Và rất rõ, Chúa mắng: Quân yếu tin.
Sau khi bỏ chài lưới theo Chúa, hình ảnh đầu tiên ghi nhận
được mối liên hệ giữa Chúa và Phêrô là trận mắng trên đây. Trận mắng thứ nhất
vừa xảy ra, hình ảnh thứ hai lại một trận mắng khác: Ngu tối!
Mắng lần thứ hai:
Thầy trò đang đi thì gặp nhóm Pharisiêu. Hai bên tranh luận
với nhau. Pharisiêu trách sao các môn đệ không rửa tay theo tập tục truyền
thống trước khi ăn. Pharisiêu đã nhiều lần dựa vào lề luật tìm cách bắt bẻ các
môn đệ. Họ lấy cớ trọng lề luật chứ lòng họ có một ý đồ khác. Chúa không chấp
nhận lối giả dối đó. Ngài nói: "Không phải cái vào miệng làm cho con người
ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế"
(Mt 15:11). Chúa ám chỉ tâm địa trong lòng xác định tốt xấu chứ không phải hình
thức tập tục ăn uống bên ngoài. Các môn đệ hiểu ý Chúa muốn nói gì nên mới nói
với Chúa:
- Thưa Thầy, Thầy có biết, Thầy nói vậy làm những người
Pharisiêu khó chịu lắm đó.
Các môn đệ hiểu Chúa có ý ám chỉ gì nên mới nói với Chúa
như vậy. Nhưng trong nhóm có người hỏi:
- Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn kia cho chúng con!
Không hiểu, mới xin như vậy chứ. Và Chúa đã mắng:
- Ðến bây giờ rồi anh em còn ngu tối vậy sao! (Mt
15:15-16). Người bị mắng đó là Phêrô! Một chi tiết trong lời mắng này, Chúa
mắng "đến bây giờ rồi mà còn ngu tối vậy sao". Cụm từ "đến bây
giờ rồi" cho ta cảm tưởng là đã hoài công dạy dỗ mà vẫn không khá. Nghĩa
là chậm hiểu lắm, cho đến bây giờ rồi mà vẫn còn chậm như thế.
Mắng lần thứ ba:
Về đức tin, lần thư nhất Chúa mắng quân yếu tin! Lần thứ
hai bị mắng trí khôn chậm hiểu. Cả hai lần mắng đều xảy ra công khai. Chúa mắng
Phêrô trước mặt mọi người. Bây giờ Chúa mắng tiếp lần thứ ba. Lần này mắng một
cách thê thảm. Chúa bảo Phêrô là Satan!
Lần mắng thứ ba này xảy ra trên đường về Jêrusalem. Xét
theo thời gian, lúc này vào năm thứ ba, khoảng cuối đời rao giảng của Chúa. Như
vậy là Phêrô theo Chúa đã được ba năm. Theo ba năm rồi mà chưa thấy khấm khá
gì.
Cuộc đời rao giảng Nước Trời của Chúa rất khác quan niệm
người đương thời. Chúa không mua đất lập đền thờ. Không tổ chức bầu ban chấp
hành trong cộng đoàn tông đồ. Các môn đệ không có huy hiệu. Họ không có áo đồng
phục. Không thấy gì là dấu hiệu sắp có vương quốc.
Theo Chúa gần ba năm rồi, ghe thuyền đã bán, đất đai bỏ lại
sau lưng. Ai mà không sốt ruột băn khoăn. Các môn đệ đôi khi cũng nghĩ tới giấc
mơ ngày Thầy mình lập vương quốc. Nhưng bao giờ? Theo mãi thế này ư? Có đám
đông đã bỏ. Băn khoăn trong giấc mơ ấy, các ông hỏi nhau:
- Ai là người lớn nhất trong vương quốc này?
Bằng chứng là Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến xin Chúa
một ghế bên tả, một ghế bên hữu (Mc 10:37). Như vậy họ đã để ý đến các chức
tước. Họ hy vọng bổng lộc quyền thế. Theo ngôn ngữ hôm nay thì ai chủ tịch? Ai
phó chủ tịch?
Có điều ta thấy, họ chỉ nói riêng với nhau. Không ai dám
đến hỏi Chúa. Riêng Phêrô, ông nhìn lại đã theo ba năm rồi mà chưa thấy gì. Ông
là người duy nhất dám trực tiếp chất vấn Chúa:
- Thưa Thầy, chúng tôi bỏ mọi sự mà theo Thầy thì được cái
gì? (Mt 19:27).
Ðức Kitô trả lời:
- Phàm ai bỏ cha mẹ anh em, vì danh Ta thì được gấp bội và
còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp" (Mt 19:29).
Câu trả lời thật rõ. Thế là Phêrô chắc ăn! sẽ được gấp bội!
Nói cách khác, câu trả lời ấy như lời khuyến khích đừng nản, cứ theo đi!
Vừa trả lời thế được ít bữa, bất ngờ một hôm trên đường
chiều, Tin Mừng Máccô tường thuật bằng ngôn ngữ chính xác, lần này Chúa
"nói rõ" điều đó. Chúa không dùng dụ ngôn, nhưng nói rõ cho dễ hiểu.
Máccô viết: "Rồi Ngài dạy cho các ông biết về Con Người phải chịu đau khổ
nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba
ngày, sống lại. Ngài nói rõ điều đó không úp mở" (Mc 8:31-32).
Ơ hay! Thầy vừa mới hứa ai theo Thầy sẽ được gấp trăm ngay
đời này cơ mà! Sao bây giờ lại có chuyện Thầy bị chết là làm sao? Như vậy chúng
tôi mất hết à? Phêrô không thể hiểu. Lần này không thắc mắc, không hỏi Chúa
nữa, ông "kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách Người" (Mc 8:32).
Máccô tường thuật chính xác trong ngôn ngữ rất ý nghĩa là
Phêrô "kéo" Chúa ra và "trách" Chúa! Ta hãy tìm ý nghĩa
trong hai động từ "kéo" và "trách" này. Kéo là hành động
bắt người khác về phía mình. Trách là hành vi diễn tả người khác sai, mình
đúng. Mạnh hơn nữa, động từ trách diễn tả một uy quyền. Ðộng từ kéo diễn tả một
thái độ không cho người đối diện tự do chọn lựa. Hai động từ ấy phiên dịch thái
độ của Phêrô là ý của ông đúng. Chúa hãy làm theo ý ông.
Trong vai chủ động đó, Phêrô cho rằng suy nghĩ của ông là
đúng. Chúa không nên suy nghĩ kiểu đó. Như thế, Phêrô đã đổi hướng con đường
Ðức Kitô phải đi sang một hướng khác. Cái ý nghĩa sâu xa của hành động kéo và
trách nằm ở chỗ này. Nằm ở chỗ là thay đổi lý tưởng, thay đổi đường đi của Ðức
Kitô.
Hành động của Phêrô không phải là lời cám dỗ mà là nhảy vào
cuộc một cách tàn bạo. Nó không nhẹ như lúc ma quỷ cám dỗ Chúa trong sa mạc.
Lúc đó ma quỷ chỉ cám dỗ chứ không dàm cản ngăn. Phêrô không cám dỗ mà Phêrô
cản ngăn. Vì thế, lời mắng của Ðức Kitô là một lời kháng cự rất mạnh: Satan!
Ðọc Phúc Âm đến đây, ta thấy càng ngày Chúa càng mắng Phêrô
nặng hơn. Ðến cuối đời còn mắng thêm một lần nữa.
Chuyện xảy ra, lúc các thượng tế, binh lính cùng gậy gộc
đến bắt Chúa trong vườn Cây Dầu, Phêrô đã rút gươm. Nhưng Chúa trả lời hành
động ấy:
- Hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Hay
ngươi tưởng Ta không thể cầu cứu với Cha Ta cấp cho Ta ngay mười hai cơ binh
thiên thần sao? (Mt 26:52).
Nhìn lại đời Phêrô, Chúa mắng nhiều hơn khen. Dường như
chẳng khen lần nào. Có lần Chúa hỏi các môn đệ nghĩ Chúa là ai. Ngày đó Phêrô
tuyên tín rất hay: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".
Nhưng ngay sau đó Chúa nói: "Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là
người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha
của Thầy, Ðấng ngự trên trời" (Mt 16:16-17). Như vậy là Thần Khí Chúa nói,
nếu không do Thần Khí mà để tự mình Phêrô thì không biết ông sẽ nói Chúa là ai!
Cũng có lần ông nói lung tung. Lần Chúa biến hình trên núi
Tabor. Thấy quyền uy sáng láng, ông vội nói với Chúa:
- Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin
dựng ba cái lều, Thầy một cái, ông Môisê một cái, và ông Êlia một cái.
Ngay sau câu nói ấy, Máccô viết tiếp, cũng bằng một ngôn
ngữ chính xác rất ý nghĩa. Ngài tường thuật chi tiết như sau: "Thực ra ông
không biết phải nói gì vì ông kinh hoàng" (Mc 9:6). Như thế, chỉ vì kinh
hoàng mà nói, chứ chẳng biết mình nói gì! Nước không có, gạo củi cũng không, tự
dưng dựng ba cái lều trên đỉnh núi, lấy gì ăn!
Kẻ theo Ðức Kitô bị mắng nhiều hơn khen. Lần nào Chúa cũng
mắng Phêrô trước đám đông. Có hai điều đáng lưu tâm về những lời Kinh Thánh
tường thuật con người Phêrô qua một đời bị mắng này:
- Thứ nhất, Phêrô kém như thế tại sao Chúa không sa thải?
- Thứ hai, bị mắng nhiều như thế, tại sao Phêrô không giận
mà bỏ Ðức Kitô?
Trang Hồi Ký của Toà Giải Tội
Ngày 10 tháng 6 năm...
Tôi là một tòa giải tội bằng gỗ. Tôi đứng ở đây lâu lắm
rồi. Năm tháng đi qua với dòng đời đổi thay, tôi đứng đây nhìn cuộc đời. Trải
qua mấy thế hệ, những người cùng thời với tôi đã từ giã cõi đời từ lâu. Thế hệ
này sang thế hệ khác, tôi chứng kiến những đổi thay trong cái họ đạo này. Ðời
tôi là vô vàn những trang hồi ký.
Cuộc gặp gỡ nào cũng là một lịch sử. Biến cố nào cũng có ý
nghĩa. Dòng chữ tôi đang viết đây là một mẩu ngắn trong dòng thời gian đó.
Chuyện hai con chuột nhắt nói với nhau. Câu chuyện của chúng nó có liên quan về
tôi.
Con chuột cạnh bờ tường lên tiếng:
- Kỳ này mày có khỏe không?
Con kia trả lời:
- Nhức đầu quá!
Chúng tiếp tục câu chuyện. Tôi là tòa giải tội, tôi lắng
nghe. Con cạnh bờ tường nói:
- Tao cũng nhức đầu quá.
- Tại sao vậy?
- Nhà tao ở, suốt đêm lúc nào cũng karao ôkê!
- Khu chung cư của tao thì chúng ồn ào, ôi thôi là ồn ào.
Hết đám con nít khóc, lại đến người lớn cãi nhau. Chán mớ đời!
- Thế trước đó mày ở đâu?
- Tao đổi nhà bao nhiêu lần rồi, chỗ nào cũng chỉ được vài
hôm.
Con chuột phía bên kia cúi xuống gặm chân. Miếng báo cũ nó
tha về đã trải gọn gàng. Nó thở dài rồi lại tiếp tục câu chuyện:
- Cuộc sống hôm nay phức tạp quá, suốt ngày ồn ào. Người
lớn cũng vậy, con nít cũng thế, chúng không bao giờ biết thinh lặng. Tao tìm
hết nhà này đến nhà kia, chỗ nào cũng rứa. Khó ngủ quá. Tao từng ở ngoài chợ,
rồi kho hàng, nhà chùa, rồi nhà thờ, bây giờ thì ở gầm cái tòa giải tội này.
- Mày nghĩ chúng ta sẽ được yên thân nơi này không hay cũng
bị mất ngủ?
Tôi chưa viết về sự cố vì sao hai con chuột nhắt này lại
gặp nhau ở đây. Bắt đầu là thế này. Ngày xửa ngày xưa ở cái tòa giải tội này,
tôi lúc nào cũng bận rộn đón người qua lại. Sáng, chiều, có một cha già, chẳng
mấy khi không ngồi ở đây đón tín đồ. Lúc ấy khác bây giờ lắm, nhà thờ vang câu
kinh, người lớn, con nít, ôi thôi đủ là hát xướng, vui ơi là vui! Hồi ấy người
ta sốt sắng đạo đức, chiều kinh tối, sáng thánh lễ, lúc nào cũng có người ra
vào tòa giải tội. Thế rồi từ từ lòng người thay đổi, cha già chết đi. Những
người cùng thế hệ tôi cũng vậy. Sau cùng, tôi là chiếc tòa giải tội vắng khách.
Mạng nhện giăng đầy. Bụi bắt đầu mờ. Chả thấy ai quét bụi nữa. Tôi là tòa giải
tội đứng buồn hiu như một chợ chiều không còn người. Nghĩ mà nhớ những ngày
tháng xa xưa. Tôi chả quên được dĩ vãng nhiều kỷ niệm ấy.
Rồi một con chuột già đi ngang qua, thấy yên tĩnh lạ
thường, nó dừng lại đôi ngày rồi khám phá ra cái không gian chẳng bóng người
qua lại này. Sau cùng, nó vô cùng thích thú chọn nơi đây làm quê hương dưỡng
già, ngủ ngon giấc. Yên tĩnh lắm. Con chuột ấy thế mà tinh khôn. Nó chui vào
đây ở thảnh thơi cho đến ngày biết sắp qua đời, nó nhường lại khu vực êm ả cho
hai con chuột nhắt.
Hai con chuột nhắt nói chuyện lúc nãy mới dọn vào đây đấy.
Chúng còn ngỡ ngàng lắm. Thôi, bây giờ tôi kể tiếp về hai con chuột nhắt nói
với nhau:
- Ừa, tao nghĩ nơi đây sẽ yên tĩnh và chúng ta sẽ ngủ ngon!
- Sẽ không bị bước chân người quấy phá như ở ngoài đời!
Hai con chuột nhắt cười đùa khoái chí. Chúng đố nhau:
- Ðố mày chúng ta sẽ được yên tĩnh bao lâu? Một tuần? Một
tháng? Hay một năm thì lại có người vào đây?
Con chuột nhỏ hơn trầm ngâm một chút rồi gục gặc cái đầu.
Nó không trả lời mà đối lại con kia bằng câu đố khác:
- Ðố mày ai là kẻ đầu tiên vào đây phá giấc ngủ chúng ta?
Người hay lại là gã mèo già tìm nơi yên để ngủ?
* * *
Ngày... tháng....năm....
Ðã lâu không có ai vào đây, nhưng một mùa Chay nọ, câu
chuyện xảy ra.
Người thanh niên ngồi dưới cuối nhà thờ lâu lắm. Người ấy
đến đây mấy lần, chỉ ngồi trong nhà thờ thôi, không vào đây. Tôi là tòa giải
tội lâu ngày không có người vào. Tôi cầu nguyện, tôi xin cho có một người vào
đây với Chúa đi. Cây thánh giá treo trên tường cũng bụi bám, vắng thật vắng.
Tôi cầu nguyện nhiều, và sau cùng, tôi thấy anh ta từ từ bỏ ghế ngồi đi lên.
Lòng tôi hồi hộp cầu nguyện thêm, tôi xin cho anh đừng bỏ cuộc. Rồi, người
thanh niên đến gần, ngó vào tòa giải tội, ngại ngùng. Tôi lại lấy hết tâm hồn
cầu nguyện cho anh. Dáng đi của người thanh niên vất vả, có ai kéo anh lại? Tôi
cầu nguyện thêm, cầu nguyện thêm. Sau cùng, người thanh niên giơ tay đẩy nhẹ
cánh cửa, bước vào.
Tôi là tòa giải tội ở đây qua bao nhiêu thế hệ, gần trăm
năm nay rồi còn gì, từ thế hệ cha ông của những người trong họ đạo này cơ mà.
Như tôi viết ở trên, tôi chứng kiến rất nhiều thăng trầm của cuộc đời. Nhất là
nhìn thấy không biết bao nhiêu biến cố lạ lùng đã xảy ra. Trong góc nhỏ nhà thờ
này mà chứa không biết bao nhiêu phép lạ. Vì những phép lạ ấy rất hạnh phúc,
rất riêng tư nên người ta muốn giữ kỷ niệm đó cho riêng mình, ít người nói ra.
Người thanh niên nói với Chúa:
- Lạy Chúa, mỗi lần đến với Chúa qua tòa giải tội này là
đời con được tái sinh, con hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, sao con vẫn cứ ngại
ngùng hả Chúa?
Trên bóng thánh giá, Chúa nhìn người thanh niên trả lời:
- Con ạ, ma quỷ rất sợ tòa giải tội. Nơi đây là trận chiến
thảm bại nhất của nó. Con có kinh nghiệm mỗi lần đến với Cha rồi ra về, lòng
con vui hơn, cuộc đời nhẹ thênh thang, nhưng con vẫn ngại vì ma quỷ không muốn
buông tha một người đang trên đường thuộc về nó. Lúc nào con ngại tòa giải tội
là lúc ma quỷ gần con nhất. Nó đang giữ chân con lại. Chính lúc đó là lúc con
lại cần tòa giải tội hơn lúc nào hết.
- Thưa Chúa, Chúa biết mọi tội con rồi sao con lại còn phải
đến đây, sao Chúa không tha cho con đi?
- Con rất yêu quý của Cha, con hiểu lầm tình yêu của Cha
trong tòa giải tội này rồi. Lòng của Cha luôn bao dung. Con không nhớ trước khi
người con hoang đàng trong Phúc Âm trở về thì cha nó đã mong chờ nó rồi sao?
Mong nó về là tha thứ hết rồi. Cha nó có hỏi tội nó đâu? Trước khi con đến đây,
ngay khi con phạm tội, hôm đó lòng Cha buồn khôn tả. Con phạm tội xong, con
bước đi u buồn lững thững, con giấu diếm Cha, con giấu diếm người chung quanh.
Cha thấy thương con quá đỗi. Cha tha cho con ngay hôm đó rồi.
Người thanh niên im lặng lắng nghe. Anh trầm ngâm suy nghĩ.
Một phút tĩnh mịch trôi qua. Lòng nhà thờ có con chim sẻ kêu chim chíp. Chúa
thấy người thanh niên im lặng, Ngài nói tiếp:
- Cha chán tội, Cha không muốn nghĩ đến tội. Cha chỉ nghĩ
đến tình thương và sự đau khổ. Cha thấy con lầm lũi đi, con không dám nhìn
trời, con giấu diếm Cha. Con rước lễ mà lòng con chán ngán. Cha biết con đau
khổ. Cha nghĩ đến khổ đau trong con. Con ạ, con là con của Cha.
Chúa mới nói tới đó thì người thanh niên cúi xuống tay ghế
quỳ chảy nước mắt. Con chim sẻ bay ngơ ngác với tiếng kêu nhiêm nhiếp. Trong
dòng nước mắt, người thanh niên cố nói như muốn trách Chúa thêm:
- Thế sao con lại phải đến đây?
- Con yêu quý, như con thấy, chỉ khi nào người con hoang
đàng trở về nhà thì nó mới có ăn. Nếu không về, nó chết đói bên bầy heo. Cho dù
người cha tha lâu rồi, nhưng không về nó vẫn chết vì đói. Sự tha thứ đã được
ban ra, nhưng để lãnh nhận con phải giơ tay. Nhà cha có cơm gạo nhưng con sẽ
đói nếu không ăn. Con hiểu ý của Cha không?
Cũng như chiều nay, khi con ngồi trầm ngâm trong nhà thờ,
Cha thấy con, Cha thấy rõ con. Cha tha cho con lâu rồi. Cha tha cho con ngay
khi con bước đi buồn bã vì tội trong con. Cha thương và Cha tha ngay.
Trong tiếng xót xa, người thanh niên hỏi Chúa:
- Cha tha mà sao lòng con cứ bối rối hoang vu?
- Con ạ, con không thể cảm nghiệm được tình thương của Cha
cho đến khi con giơ tay lãnh nhận. Huyền diệu của tình yêu là chỉ khi nào người
kia lãnh nhận thì tình yêu ấy mới thật sự thành tình yêu. Sự cao cả của tình
yêu là tự do nên tình yêu không bao giờ đến từ một chiều. Khác biệt huyền diệu
của tình yêu và sự thù ghét là sự tự do ấy. Khi thù ghét, người ta dùng bạo lực
bắt người kia đau khổ. Tình yêu thì không, phải có người nhận tình yêu mới là
tình yêu. Tình yêu cho đi mà không người nhận, tình yêu lại trở về với người đã
trao ban. Người con hoang đàng không trở về sẽ không cảm nghiệm được sự tha
thứ, không cảm nghiệm được tình thương của cha. Cho dù người cha có đẩy tình
thương và sự tha thứ đi tìm kiếm nó, cũng sẽ không gặp nó.
Người thanh niên lắng nghe, quỳ im lặng. Tôi là tòa giải
tội. Mỗi lần xảy ra như thế, lòng tôi hạnh phúc xót xa. Trong tôi có vui lẫn
bùi ngùi. Trong xót xa có cái tiếc nuối, có thương tội nghiệp, có thật thà. Tôi
mong có người đến với tòa giải tội là thế. Nơi ấy giữa Chúa và người ta gặp
nhau cách kỳ diệu nhiệm mầu. Rồi người ta ra về với một trời mới, đất mới. Cỏ
cây xanh tươi. Nắng chan hòa ấm cúng trong lòng người. Cứ mỗi lần chứng kiến
như thế, đời tôi cũng hạnh phúc vô cùng. Vì thế, tôi cứ muốn làm tòa giải tội ở
đây, dù cả tháng chỉ có vài người tới, tôi vẫn cứ muốn ở đây. Tôi lắng nghe
tiếp Chúa và người thanh niên đang nói chuyện:
- Con đến tòa giải tội không phải tìm sự tha thứ mà để cảm
nghiệm sự tha thứ. Cũng như người con hoang đàng, không phải về để cha tha, mà
để cảm nghiệm sự tha thứ và được sống.
Ngày con phạm tội, con ơi, con bước đi u buồn, con không
dám nhìn Cha. Trên thập giá, Cha nhìn xuống tội nghiệp con. Về phần Cha, Cha
luôn tha thứ cho con. Cha đẩy sự tha thứ đi kiếm tìm con. Nhưng để cảm nghiệm
tình yêu ấy vào trong hồn con, lại tùy ở con có về để lãnh nhận hay không.
Con yêu dấu, khi con đến tòa giải tội giơ tay lãnh nhận,
tình yêu là ơn cứu độ trên bàn tay mang dấu đinh ở cây thánh giá này đổ xuống
tay con.
Cha quý ơn sủng của Cha vì bàn tay Cha rất đau, nên khi cho
ai ơn sủng ấy Cha nhớ người đó mãi. Con có thể quên ngày hôm nay, cũng như con
đã quên những lần xưng tội trước vì khi lãnh nhận con chỉ giơ tay. Tay con
không đau như tay Cha. Còn Cha, Cha không thể quên con vì tay Cha đã rất đau
đớn với ân sủng này.
Con ơi, khi cho người nào ân sủng ấy, Cha nhớ người đó.
Con chim sẻ lại bay. Nó
ngơ ngác như muốn tìm một đường bay nào đó mà không rõ. Tiếng kêu chim chíp
vang trong lòng nhà thờ vắng. Người thanh niên vẫn cúi đầu, nói với Chúa:
- Lạy Cha, xin thương
xót con. Xin cho con cảm nghiệm được tình thương của Cha.
Chúa nhìn người thanh
niên, chậm rãi nâng bàn tay rất đau đớn, ôm người thanh niên. Người thanh niên
cúi đầu lãnh nhận. Tôi thấy mắt người thanh niên rướm lệ. Còn tôi, chiếc tòa
giải tội gỗ, tôi lại chứng kiến một trời mới và một mùa xuân thiêng liêng mới đang
nở trong lòng nhà thờ.
Chiếc Áo
Sau khi ăn trái táo, Evà
thấy mình trần truồng nên kết lá vả che thân (Stk. 3:1-7). Trong hình ảnh này,
tội liên hệ tới áo che thân.
*
* *
Những chiếc áo
Nhiều người tạo giá trị
đời mình bằng cách sắm sửa quần áo đắt tiền. Nhiều kẻ đánh giá sai một người
cũng chỉ vì áo quần người đó che thân.
Nhiều lần Chúa khó chịu
vì các thầy tư tế thích trang phục cho mình những áo tua rộng, ngồi chỗ nhất
trong hội đường. Có "Áo tua rộng", khuynh hướng tự nhiên là thích
"ngồi chỗ nhất trong hội đường" để được chú ý. Bằng ấy năm theo Chúa,
chẳng thấy Chúa may cho các môn đệ lấy bộ áo đồng phục. Chúa cứ bảo dấu hiệu
người ta nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau. Bây
giờ thì khác, giáo phái nào cũng có đồng phục. Ðoàn thể nào cũng thích có áo
đồng phục. Không có đồng phục, sợ rằng người ta không nhận ra mình là ai.
Bác ái vô hình quá,
chứng nhân bằng bác ái khó hơn làm nhân chứng bằng manh áo. Ðối với manh áo, cứ
có tiền là sắm được. Cứ mặc lên là xong, người ta nhìn thấy ngay. Có khi càng
có đồng phục đẹp, càng nghĩ mình là chứng nhân trung thực. Có khi càng nghèo
nhân đức càng cần tấm áo thật đẹp. Chứng nhân bằng bác ái khó lắm.
Cả đời Ðức Kitô, có một
lần Phúc Âm nhắc đến áo, lại là lần mất áo. "Chúng đem áo Người ra bắt
thăm mà chia nhau" (Mt.27:35).
Chúa lấy nghèo khó, làm
nhân chứng lòng thương xót.
Lấy can đảm, cắt nghĩa
sự quý trọng chân lý.
Lấy đau khổ, diễn giải
lòng trung thành.
Chúa không lấy tấm áo
làm biểu hiệu chứng nhân. Biết đâu những tấm áo tôi mặc hôm nay chẳng làm tôi
thành nhân chứng mà chỉ là tấm áo ẩn náu, che đi những yếu đuối vì tôi không có
khả năng làm chứng nhân.
*
* *
Có tội, Ađam - Evà mới tìm
áo che thân. Như vậy, áo che thân cũng là áo che tội. Theo câu chuyện thiếu áo
che thân của nguyên tổ trong địa đàng thủa xưa, áo và tội liên quan với nhau.
Biết đâu, hôm nay cũng có những tấm áo chỉ để làm nổi bật sự quan trọng mà thực
sự họ chẳng có. Hoặc để che đi những gì họ có mà chẳng tốt lành.
*
* *
Người nghèo thường phải
mặc áo rách. Kẻ nghèo hơn nữa thì không có áo. Hình ảnh những nô lệ, không thấy
họ mặc áo. Nghèo là sự trần trụi của con người. Ai cũng cần tấm áo để che đi
cái trần trụi ấy. Cái áo làm đẹp con người. Thiếu áo, khổ thật. Nó là dấu chỉ
của thấp hèn, của túng thiếu. Chả ai muốn nghèo.
Ở quê hương tôi có nhiều
người thiếu áo. Có những bà mẹ lam lũ mà không sắm được cho con tấm áo vào ngày
đầu năm. Dì tôi ngồi ở hiên nhà nhặt những hạt đậu sâu. Bàn tay đen sậm, cáu
ghét vì đồng áng lam lũ. Nắng hầm hập trên mái tôn thấp. Những sợi tóc muốu
tiêu vương vãi trên lưng áo im lặng. Tôi nhìn chiếc áo, áo của dì rách quá. Cái
áo ấy không bằng chiếc giẻ lau ở đây. Cũng là con người, nhưng hai miền đất,
hai hạnh phúc khác nhau. Tôi ở một nơi rất xa nơi dì tôi ở. Sự giàu có ở đây
làm tôi khó nhớ tới những manh áo rách nơi đó.
Nếu Evà vì tội phải cần
tấm áo che thân, thì mỗi manh áo tôi che trên mình đều có ý nghĩa. Manh áo ấy
có nhắc tôi về tội tôi đang giấu giếm? Những tương quan của manh áo này với
manh áo nọ trong cuộc đời chắc hẳn cũng có những ý nghĩa. Ðâu là ý nghĩa chiếc
áo của những người nghèo như dì tôi đang mặc? Nó liên hệ thế nào với chiếc áo
của tôi nơi phương trời này trong thân thể Chúa Kitô, nơi mọi người đều là anh
em?
*
* *
Chiếc áo đẹp nhất
Câu chuyện người con
hoang đàng trong Phúc Âm Luca kể rằng: Anh ta còn ở đàng xa, người cha đã trông
thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh, hôn lấy hôn để. Bấy giờ người
con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn
đáng gọi là con cha nữa..." Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ: "Mau
mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu..." (Lc. 15:20-22).
Bỏ nhà, anh ta phải đem
những áo tốt nhất đi theo. Vậy sao lại còn cái "áo đẹp nhất"? Dựa
theo mạch văn của bài tường thuật, ta có thể biết được nguồn gốc của cái áo ấy.
Người cha sai đầy tớ về
bắt con bê đã "vỗ béo" ăn mừng. Theo bản văn, không phải bắt con
"bê béo" mà con bê đã "vỗ béo". Bê đã "vỗ béo"
khác con "bê béo". Vỗ béo là con bê đã được săn sóc cách riêng cho
béo. Nó là con bê được nuôi nấng từ lâu cho một mục đích chờ sẵn.
Bắt con bê béo làm tiệc
cũng là quý rồi, nhưng việc ấy chỉ nói lên phần đãi ngộ khi người con trở về.
Còn con bê "vỗ béo" là đãi ngộ ngay khi người con chưa trở về. Có
nghĩa là khi còn trong tội lỗi, người cha đã cưu mang một lòng bao dung thương
nhớ con mình. Chưa trở về đã đãi ngộ bằng sửa soạn một con bê. Hai điều đó khác
nhau, diễn tả hai ý nghĩa rất khác biệt.
Nếu người cha nuôi con
bê cách riêng cho béo, hy vọng là có ngày người con về, thì chiếc áo kia hẳn
phải là áo ông may sẵn.
Ra đi, nó không để lại
những đôi giầy quý, bỏ lại những cái áo hảo hạng. Lúc ông bảo đầy tớ về lấy áo,
người đầy tớ không thắc mắc chiếc áo nào, áo của ai, không thắc mắc áo của
người anh hay áo của chính ông chủ, người đầy tớ hiểu đích xác chiếc áo nào.
Qua cách truyền lệnh ấy, dường như giữa người đầy tớ và ông cha già đã có những
lần nói chuyện về cái áo và mục đích của nó để làm gì. Bởi thế, khi nói lấy chiếc
áo đẹp nhất, người đầy tớ không cần hỏi han chi, họ biết ngay áo nào rồi.
* * *
Sau khi bảo đầy tớ về bắt bê đã vỗ béo ăn mừng, Phúc Âm
Luca kết luận: "Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm
thấy" (Lc. 15:24). Lời kết luận trên đây nói về một cuộc sống mới, về bình
minh của phục sinh. Sự phục sinh là chiếc áo mới. Không phải đợi con về mới có
chiếc áo mới. Chiếc áo ấy đã may sẵn. Như thế, trong lúc tôi phạm tội, khi tôi
trong bóng tối sự chết, Chúa đã gieo mầm phục sinh cho tôi.
Lạy Chúa, nói chiếc "áo đẹp nhất", con muốn hiểu
không phải đẹp trong ý nghĩa tơ lụa, mà là ngày tháng nối những ngày tháng,
người cha cứ nghĩ đến đứa con. Ông nhớ nó trong những đường may nối những đường may.
Con muốn hiểu tình thương của Chúa trong chiều sâu đó.
Ngày xưa, trưa hè vắng,
mẹ ngồi vá áo cho con. Ngón tay mẹ đưa những mũi chỉ. Tuổi thơ chỉ thích nô đùa
làm rách áo. Nhìn lại tháng ngày thơ bé ấy, bây giờ con biết mỗi mũi chỉ là mỗi
tình thương. Với cái chết khổ nạn, Chúa may áo mới cho con. Biết công ơn của mẹ
thì nay đã xa, con muốn cầu nguyện báo hiếu cho những ngày tuổi thơ ấy.
*
* *
Lạy Chúa, con muốn gìn
giữ chiếc áo cứu rỗi Chúa ban cho con. Tiếc làm sao nếu rách chiếc áo linh hồn.
Trong cuộc sống giữa đời
thường, xin cho con thông cảm giá lạnh của những người thiếu áo.
Con cũng xin ơn đừng vì
tấm áo mà làm hoen ố Giáo Hội, áo tu sĩ, áo trí thức, áo quan tòa, áo đoàn thể,
áo chủ tịch. Những tấm áo chức vị ấy, những chiếc áo đồng phục kia có cần thiết
để biến con thành nhân chứng? Hay nhiều khi chỉ làm hoen ố những chứng nhân.
Ngày Tảo Mộ
Tôi đến đây thăm ngôi mộ
của tôi. Ba năm trước người ta đưa tôi ra nghĩa trang này. Hôm ấy có người
khóc. Chung quanh mộ bia tôi có hoa. Bốn năm ngày sau hoa mới tàn. Sau trận
mưa, hoa mới rữa. Người coi nghĩa trang hốt hết đổ vào thùng rác. Rồi, thỉnh
thoảng mộ tôi vẫn có hoa. Những cánh hoa lẻ tẻ trong lòng một vài người nhớ
tôi. Không nhiều.
Hôm nay không còn thế
nữa. Tôi đến đây khá sớm. Tôi hồi hộp không biết hôm nay thế nào. Tôi không
biết mình sẽ gặp lại những ai. Hôm nay kỷ niệm ba năm ngày người ta chôn tôi.
Tôi còn nhớ ba năm trước, cũng vào ngày này, có linh mục mặc áo lễ, có ca đoàn
hát. Trước khi đến đây, tôi nôn nao không biết ngày hôm nay có những gì. Tôi
hồi hộp.
Bây giờ rõ rồi, không ai
đến cả vì đã quá giờ. Bằng giờ này ba năm xưa người ta đứng chung quanh xác mới
chết của tôi. Hôm nay không ai đến. Tôi đợi thêm cho tới ngang chiều thì biết
rõ những gì tôi hồi hộp chờ đợi không xảy ra. Tôi đợi mãi, bây giờ xế chiều,
sắp tối. Sắp tối thì chắc chắn sẽ không có ai ra đây nữa.
Tôi đứng bên cạnh mộ bia
của tôi. Tên tôi còn kia. Ngày sinh, ngày chết. Chung quanh vắng quá. Càng về
chiều càng vắng.
*
* *
Tôi đứng đây một mình
trong ngày tảo mộ. Nhớ về kỷ niệm ba năm trước. Ngày đó xác tôi còn tươi. Ngay
trong nhà quàn, có người cũng chỉ đứng nhìn rồi rảy nước phép lên mặt tôi chứ
không dám đến gần. Mới đó mà đã xa cách. Người ta sợ con người khi chết. Ngay
người thân sống với nhau hằng ngày, khi chết người ta cũng sợ. Người ta không
sợ con trâu, con bò chết, người ta sợ con người. Không biết vì sao lại thế. Khi
có người chết, người ta bảo nhà ấy có đám ma.
Có đám ma. Vâng. Có đám ma.
Người ta sợ nghĩa trang.người ta bảo ngoài nghĩa trang có
ma. Sống với nhau mà vừa chết người ta đã sợ xác nhau rồi. Cũng thân xác đó cho
nhau say đắm mà sao người ta sợ nó. Người ta bảo nhà có đám ma.
Rất nhiều người sợ đứng trong phòng một mình với xác chết.
Hôm tôi chết, tôi nhìn xác tôi, nhà quàn cố gắng trang sức
mà da tôi vẫn xanh, lạnh cứng. Có người đứng nhìn, họ giữ một khoảng cách. Tôi
biết họ sợ. Vừa mới nói chuyện, vừa mới ăn cơm chung, vừa mới đi phố, vừa mới
gặp nhau thế mà giờ nhìn xác tôi, họ sợ. Tại sao người ta không sợ con vật
chết, mà lại sợ xác người?
Chỉ người mới có hồn. Hồn thiêng liêng đi về một cõi vô
hình. Không kẻ nào có kinh nghiệm về cõi vô hình như tôi là kẻ chết bây giờ.
Hồn ấy có thể vất vưởng điêu linh. Hồn ấy có thể an vui trong cõi hằng sống. Hồn
ấy có thể thành ma. Hồn ấy có thể thành thánh. Hồn ấy có thể bình an. Hồn ấy có
thể trăn trở khắc khoải. Thế giới này sau khi chết mới thấy rõ. Tùy thuộc lúc
còn sống mà hồn ấy quyết định nơi chốn cho mình ra đi khi chết, và hồn ấy sẽ
thành hồn gì.
Người ta sợ xác người vì cái hồn đó.
Xác ấy thành hồn thánh hay hồn ma?
Xác ấy an nghỉ hay là oan hồn khắc khoải?
Hồn ấy sẽ về gặp người sống trong thứ hồn nào?
Phải chăng vì thế mà người ta sợ? Phải chăng lúc sinh thời
người ta chưa gặp hồn thánh trong xác thân kia nên bây giờ sợ không biết hồn
thánh trong xác thân nào.
Bây giờ trời đang vào tối. Càng không ai dám ra nghĩa
trang. Vì thế tôi càng biết chắc là kỷ niệm ba năm ngày tôi chết, vắng quá, nơi
ngôi mộ của tôi.
Tôi không muốn đứng trong nghĩa trang này như thế mãi làm
gì. Tôi đi tìm một vài kỷ niệm cũ của tôi lúc đương thời. Mặt trời xuống phía
sau rặng cây rồi. Mây không còn hồng. Một khoảng trời xám phủ xuống nghĩa
trang.
Ðầu tiên, tôi trở về ngôi nhà thờ cũ năm xưa. Bậc thềm vẫn
như nguyên. Mấy chân nến đồng lâu năm lắm rồi vẫn nằm trong xó tối góc nhà. Cây
thánh giá cũ. Tượng chịu nạn một năm mới sử dụng một lần dịp tuần thánh. Chả có
gì thay đổi. Chỉ có tôi đã ra đi. Tám giờ tối có thánh lễ. Nhà thờ đông và vui.
Tiếng đàn vẫn như xưa. Người vẫn tấp nập. Trong thánh lễ không có lời kinh nào
cầu nguyện cho tôi. Ai cũng bận rộn với bao nhiêu công việc, bao nhiêu chương
trình.
Tôi gặp một vài khuôn mặt quen ngày xưa. Nhưng hôm nay làm
sao họ nhìn thấy tôi được. Tôi nhìn họ thôi. Họ cũng bận rộn như bao nhiêu
người. Tôi cố nói với họ: "Hôm nay tôi đi tảo mộ! Hôm nay kỷ niệm ngày
chết của tôi!" Tiếng tôi như gió bay trong trời rộng, chả ai nghe thấy gì.
Tôi lẽo đẽo theo sau họ. Tôi cố nói mà không ai nghe. Tôi đi như thế một quãng
đường rồi tôi chán. Tôi phải trả họ về cho đời sống của họ. Rồi một ngày nào họ
cũng giống như tôi thôi.
Tôi đi tìm một vài cánh thư đã viết. Tôi bắt gặp mấy lá thư
cũ trong căn nhà của người này. Chúng còn đó, nhưng người ta cũng quên rồi. Mấy
tấm hình năm xưa. Một chút dư âm còn lại trên cõi đời. Bây giờ nhìn lại, vậy mà
ngày đó tôi mất bao thời giờ cho cánh thư ấy. Tôi muốn được lòng người này, tôi
muốn tình cảm của người kia. Bây giờ chả còn gì.
Tôi đi tìm một vài đồ dùng của tôi. Bao nhiêu công trình
tôi sưu tầm, sách vở, hình ảnh, nghệ thuật. Vì người sống không cùng ý nghĩ với
tôi, nên sau khi chết không ai còn gìn giữ chúng cả, chúng đã tan tác và đang
dần dần biến đi. Thế mà lúc sống tôi bận tâm săn sóc từng ly từng tí. Có khi
tôi tiếc xót về những thứ này. Bây giờ tôi đứng nhìn những thứ ấy sao xa lạ
quá.
Một thời để nhớ, một thời thấy là hư vô.
Một thời thu góp, một thời thấy là hoang vu.
Một thời ôm giữ, một ngày thấy là cách xa.
Tôi cũng đi tìm người ngày xưa không thích tôi. Họ ghen
tương chuyện này, chuyện kia, họ thử thách tôi điều này điều nọ. Tôi đứng ngay
cạnh họ, họ chả biết gì. Có điều trong thế giới siêu hình người chết thấy nhiều
điều người sống không thấy. Tôi thấy họ cũng giả hình nhiều lắm. Họ cũng bon
chen nhiều lắm. Sự thành thật thường che đậy bằng những hảo ý tinh vi. Tôi thấy
họ cũng thường quá. Vậy mà ngày còn sống tôi cứ băn khoăn về lời phê bình này,
lời phê bình kia của họ. Chết rồi mới thấy nhiều cái trên cõi đời quá phù vân.
Tôi cũng đi tìm người ngày xưa tôi không thích. Bây giờ tôi
đứng ngay bên cạnh, mà họ cũng chẳng biết gì. Lúc còn sống tôi không thích họ
chứ không phải họ không thích tôi. Chết rồi tôi mới biết mình sai. Những người
chỉ trích tôi làm tôi bận tâm. Những người tôi không thích thì tôi quên họ. Bây
giờ mới thấy mình lầm nhiều. Họ chả là gì trong xã hội quý trọng danh vọng.
Trong thế giới siêu hình tôi thấy cuộc đời họ cô đơn. Vậy mà ngày đó tôi không
thích họ. Bây giờ tôi nói với họ: "Tôi xin lỗi nhé. Tôi muốn yêu thương và
chân thành." Họ chả nghe thấy gì. Tôi lẽo đẽo theo họ một quãng đường rồi
tôi thất vọng. Họ chả biết gì. Trong trái tim họ, đôi khi nhớ đến tôi, họ chỉ
buồn. Ðó, tôi cũng còn lại một chút dư âm.
Tôi đi lang thang chỗ này chốn kia. Tôi tìm người này người
nọ. Tôi đứng bên cạnh bàn ăn và ngửi thấy hương thơm café. Tôi ngồi trong xe và
nghe họ nói chuyện. Tôi ở bãi biển nghe họ nhắc về những kỷ niệm, trong đó có
bóng hình tôi. Tôi đi tìm và cũng còn một chút dư âm trên cõi đời. Cuộc sống là
tiếp tục. Tôi chả còn là bao nữa trong cái dư âm kia.
Hôm nay tôi về tảo mộ sau ba năm. Tôi sẽ trở lại nghĩa
trang này hơn hai mươi năm sau xem tôi như thế nào. Ngày đó là kỷ niệm 25 năm.
Người ta gọi là silver jubilee. Ngày lễ bạc.
* * *
Lạy Chúa,
Con về nhìn lại ngôi mộ mình sau cái chết. Có những điều
ngày xưa phải coi thường, con lại bận tâm, như lời phê bình của người này, kẻ
kia, như nỗi sợ này, nỗi lo nọ. Cái bận tâm ấy làm cuộc sống mất bao nhiêu buổi
bình minh đẹp, mất bao nhiêu tối trăng mơ màng thơ mộng.
Con đã không biết rong chơi trên cõi đời. Hồn con thiếu tự
do vì quá bận rộn với biết bao dự tính. Bây giờ con làm gì với những dự tính
đó? Còn người ta, có ai tiếp tục cái dự tính ấy đâu. Có con hay không, cuộc đời
vẫn là cuộc đời. Con tưởng ngày con chết sẽ là thiếu vắng. Như dòng sông, vừa
múc đi một vốc nước, nó lại đầy ngay chả còn dấu vết gì. Vậy mà ngày con sống,
tưởng mình là cần thiết. Con phải dành cho mình lẽ đúng. Con đã không biết rong
chơi trên cõi đời để mất biết bao mùa xuân lá xanh non, mất biết bao mùa hạ
nắng thênh thang. Ngày còn sống sao lòng con chật chội quá.
Lạy Chúa,
Có biết bao điều con coi thường ngày xưa, bây giờ con tiếc
nuối. Như sự thương mến chân thành. Như trái tim không chật hẹp. Như biết quý
sự tự do của con tim hơn. Như sự từ bỏ cho cõi lòng thênh thang hơn. Nếu những
ngày đó con biết quý nó, đời sống của con đẹp thêm biết bao, có thêm bao nhiêu
con suối hiền hòa, có thêm bao nhiêu thung lũng xanh tươi. Bây giờ con biết quá
trễ.
Có những kỷ niệm như, nhìn lại ngày đó, con bực bội vì họ
chần chừ để hết hạn mới mua chiếc vé tầu, làm con phải trả thêm tiền. Con bực
bội mãi vì họ không nghe lời. Thực ra họ cũng bận rộn, luôn luôn bận rộn. Bây
giờ con mới thấy tiếc vì những ngày tháng cứ bận rộn là bận rộn, không biết
rong chơi. Những thứ bực bội đó làm con mất vui, làm mất những ngày đẹp. Bây
giờ nhìn lại nó chả đáng gì.
* * *
Tôi ngang qua nghĩa trang. Nhìn ngôi mộ tôi lần nữa. Có
mình tôi tảo mộ tôi. Kẻ sống đã chôn và cho tôi một ngôi mộ rồi. Bây giờ là
phần tôi. Một mình tôi với ngôi mộ của tôi.
Chiều nay đứng bên ngôi mộ của riêng mình nghĩ lại cuộc đời
năm xưa. Bây giờ, tôi biết rõ cuộc đời rồi, nếu được trở lại kiếp làm người
nữa, tôi sẽ sống như thế nào?
* * *
(Ngày Tảo Mộ, là bài thứ nhất trong loạt gồm ba đề tài. Tảo
mộ lần thứ hai xảy ra 25 năm sau, tức Ngày Lễ Bạc. Tảo mộ sau cùng xảy ra năm
mươi năm sau, tức Ngày Lễ Vàng.
Năm mươi năm sau ngày chết, lúc ấy mọi người cùng sinh
thời, quen biết đã chết hết. Nếu hồn bạn trở lại, bạn thấy còn lại dấu tích gì
của bạn? Hai đề tài sau sẽ in trong tập suy niệm kế tiếp: Ðường Ði Một Mình.)
Phêrô Lỗi Phạm
Thảm kịch Phêrô vấp ngã được Phúc Âm tường thuật lại như
sau:
Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi
Ôliu. Ðức Giêsu nói với các ông:
- Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ
đánh người chăn và chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê
trước anh em.
Ông Phêrô liền thưa:
- Dẫu tất cả có vấp ngã đi nữa, con nhất định là không.
Ðức Giêsu nói với ông:
- Thầy bảo thật anh: Hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy
hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy ba lần.
Nhưng ông Phêrô lại quả quyết:
- Dẫu co phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy"
(Mc 14:26-31).
Ðoạn Kinh Thánh trên đưa thời điểm đau thương của Ðức Kitô
vào cuộc đời các tông đồ. Biến cố ấy sắp xảy đến. Thực sự sẽ như thế nào, các
môn đệ không thể hình dung được. Họ chỉ thấy bàn bạc một bầu khí u buồn, hoang
mang và căng thẳng. Cứ mỗi lúc thời gian ngắn dần, thái độ của Chúa làm các ông
thêm biến sắc. Chúa đã nói đến những lời trăn trối. Thầy đã rửa chân vĩnh biệt
học trò. Kẻ dạy dỗ đã căn dặn môn sinh ở lại yêu thương nhau. Chúa sắp ra đi.
Linh hồn các môn đệ có thể đang dấy lên những thao thức băn khoăn. Thầy sẽ chết
sao? Ai phản bội Thầy? Tương lai chúng ta đi về đâu? Bao nhiêu ngày theo Thầy
bây giờ như thế sao? Rồi đây nhóm chúng ta còn không? Tất cả vấp ngã nghĩa là
gì, tôi cũng vấp ngã à? Vấp ngã ra sao?
Trong cái căng thẳng ấy, mọi người im lặng hoang mang.
Người lên tiếng trong đám đông này, tối đó, là Phêrô.
Nhìn Phêrô trong đoạn Kinh Thánh trên đây, ta thấy ông
khẳng khái một quyết định dứt khoát là ông biết rõ ông hơn ai hết. Ông hiểu khả
năng của ông. Ông biết ý chí ông. Ông làm chủ tình hình. Ông đã nói không là
không. Chúa đừng quan tâm. Phiên dịch một cách khác, ta có thể hình dung được
tiếng nói của Phêrô với Chúa:
- Không chuyện gì phải lo. Có tôi đây, Thầy biết tôi mà!
Qua hành động Phêrô, ta có thể nói bằng ngôn ngữ thế tục,
Phêrô đã "vô lễ" khi dám đưa tất cả mọi người ra so sánh. Ông khẳng
khái là không vấp ngã, cũng quá đủ rồi. Ðó là chuyện của ông. Nhưng ông bảo cho
dù "tất cả" vấp ngã, tôi cũng không. Làm sao ông dám hạ thấp mọi
người xuống để so sánh với chính mình như vậy?
Sau khi ông so sánh mọi người xong, Ðức Kitô không nói với
"các ông" nữa mà nói riêng với ông. Lối hành văn của Máccô chỗ này
rất là ý nghĩa trong lối dùng chữ chính xác từng chi tiết như sau:
- Thầy bảo thật anh - (Ám chỉ rõ, riêng cá nhân Phêrô).
- Hôm nay - (Xác định thời gian là hôm nay chứ không phải
ngày mai).
- Nội đêm nay - (Chi tiết hơn, hôm nay, nhưng là đêm chứ
không phải ngày).
- Gà chưa kịp gáy hai lần - (Biết là đêm rồi, nhưng rõ hơn
là lúc gà chưa gáy hai lần).
- Thì chính anh - (Quả quyết rõ là Phêrô, không phải người
khác).
- Anh chối Thầy ba lần - (Nói cho biết trước sẽ chối, chi
tiết là ba lần).
Ðoạn văn tiên tri trên về Phêrô, đề cập những chi tiết
chính xác như chuyện đã xảy ra chứ không phải chuyện tương lai. Ðáng nhẽ Phêrô
phải giật mình sợ hãi, nhưng ông không thắc mắc những chi tiết. Vẫn trong cách
xử dụng ngôn ngữ tài tình, Máccô nhấn mạnh là Phêrô càng "nói quả
quyết" hơn nữa. Phải chết tôi cũng không chối Thầy. Lúc đó, Chúa chỉ còn
một cách duy nhất là im lặng, vì hết lời rồi.
Trong cung cách đó, còn gì để nói về con người Phêrô? Chính Chúa đành lặng
thinh.
*
* *
Thảm kịch đáng thương
trên được Phúc Âm tả tiếp:
Rồi Người trở lại, thấy
các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô:
- Simon, anh ngủ à? Anh
không thức nổi một giờ sao?
Người lại đi cầu nguyện,
kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ
nặng trĩu. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông:
- Luc này mà còn ngủ
sao?
Từ chiều, từ lúc hát
thánh vịnh xong và Thầy trò lên núi Ôliu đến giờ, từ lúc quả quyết không chối
Thầy đến giờ chắc mới vài tiếng đồng hồ. Ba lần Chúa đến tìm các ông, các ông
vẫn ngủ. Ngôn ngữ chúng ta để ý ở đây mà Máccô cho một chi tiết đặc biệt là các
ông ngủ đến độ mắt họ "nặng trĩu" (Mc 14:40). Ngủ đến độ mắt "nặng
trĩu" là như thế nào? Có thể đây là chi tiết sẽ cắt nghĩa một sự cố lát
nữa đây về con người Phêrô.
Lần thứ ba Chúa đến, lúc
mắt họ "nặng trĩu" thì Giuđa và thượng tế cùng giáo mác, gậy gộc của
đám cơ binh ụp đến bắt Chúa. Lúc này một "anh hùng" xuất hiện: Ðó lại
là Phêrô. Ông rút gươm!
Tin Mừng tường thuật,
ông chém đứt tai người đầy tớ (Yn 18:10). Nếu ông anh hùng sao không đượng đầu
với bọn lính? Tội lỗi là đám thương tế cùng cơ binh chứ đầy tớ, nó làm gì mà
chém nó? Ðứa có khí giới trong tay sao không chém, chém thằng đầy tớ? Và ngay
cả nhát chém cũng vậy, chỉ chém đứt được có cái tai. Không chém được vào đầu,
vào cổ mà chỉ có cái tai thôi sao.
Chi tiết Máccô cho biết
lúc nẫy là các ông ngủ đến độ mắt các ông "nặng trĩu". Phải chăng vì
"nặng trĩu" nên đâu còn nhìn thấy gì? Phải chăng vì "nặng
trĩu" cho nên vùng mình dậy thấy nguy cơ thì hốt hoảng chém mà thôi? Chém
trong đôi mắt ngủ "nặng trĩu!"
*
* *
Chúa bị bắt. tất cả bỏ
chạy.
*
* *
Bây giờ thì rõ, ai ở
lại, ai chạy trốn.
Bây giờ thì rõ ai cứu ai.
Vừa trước đây thề chết với Thầy, giờ bỏ chạy.
Vừa trước đây lên tiếng thách đố, giờ cúi mặt.
Vừa trước đây tự tin, giờ mất tất cả.
Vừa trước đây tưởng mình dũng mạnh, giờ yếu đuối quá đỗi.
Vừa trước đây làm chủ tình hình, giờ nhục nhã.
Vừa trước đây tưởng mình cứu Thầy, giờ Thầy cứu mình.
Vừa trước đây tưởng mình là người lãnh đạo anh em, bây giờ
người ta biết rõ sự thật.
* * *
Lạy Chúa, cuộc đời sao quá hoang vu.
Con tưởng mình là thánh nhân mà không phải.
Con tưởng mình có kế hoạch nhưng sao quá vụng về.
Con tưởng ý kiến con thông minh mà sao nông cạn.
Con tưởng người khác kém hơn mình nhưng thật sự họ biết suy
nghĩ chín chắn.
Con tưởng không có con là chuyện không thành mà thực sự vì
con nên mới hỏng chuyện.
* * *
Ôi! nào đâu con có ngờ.
Mũi Tên Và Tiếng Hót Con Sơn Ca
Cành cây.
Trên ngọn cây sầu đông, con sơn ca nhìn xuống cuộc đời bằng
bài ca hy lễ. Tiếng hót véo von trước ngưỡng cửa căn nhà nhân loại đang bàng
bạc phiền muộn ủ ê. Cuộc đời cần hòa điệu biết bao và con sơn ca vào đời trong
tiếng gọi thâm sâu ấy: Ðem âm nhạc vào cõi quạnh hiu.
Mỗi bước chân nó chuyền qua, trên nhánh cây rừng, trên cành
trúc sau hè, bên khóm tre, là chuyền trên nỗi chết đang chờ. Bởi cành tre ấy có
thể thành mũi tên, nhánh cây rừng kia có thể thành cánh cung giương lên bắn nó.
Trên cành tre ấy, nó vẫn cho đậu xuống những âm giai hòa
bình và trên nhánh cây nọ, nó vẫn không ngại ngùng buông lời thanh thót cho rải
vào cõi vắng chiều đang xuống.
Biết trên những cành cây đưa bước chân mình đậu hôm nay có
thể ngày mai là khung thập tự sầu thương kết thúc đời mình, tiếng con sơn ca
vẫn hồn nhiên líu lo với cuộc đời, nó không băn khoăn, không cúi mặt rũ bã để
hoàng hôn phủ bóng tiếng ca.
Rừng cây địa đàng thủa xưa xanh ngát màu lá. Hương của gỗ
trầm vẫn chưa hết bay khỏi không gian. Thiên Chúa cho con người rừng cây như
bài thơ đẹp của vũ trụ để rì rào lời ru cho vũ trụ dài thêm mùa xuân, tiếp thêm
mùa thu. Ðức Yêsu đã biết ngày mai con người lấy rừng cây ấy làm thập tự đóng
đinh đời mình. Vì quá yêu trần gian, Ðức Yêsu đã đến trong căn nhà nhân loại
bất chấp cánh cung có gương lên chờ đợi. Cho dù rừng cây có thành cánh cung,
tiếng hát sơn ca trong trái tim Yêsu không bao giờ là tiếng hót phẫn nộ. Vẫn là:
Bình an cho các con!
Binh an cho các con!
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
Xin Thượng Ðế cho con
tiếng hót của loài chim sơn ca, nhìn xuống cành tre mình đang đậu hôm nay và
cất lời ca hòa bình. Xin cho con trái tim con sơn ca bình an nhìn cành cây mình
đang dừng chân mà ngày mai có thể thành cánh cung vẫn không chối từ buông lời
ca cho bóng chiều bớt hoang sợ.
*
* *
Mũi tên.
Rồi cành tre vót nhọn
thành mũi tên. Rừng xanh địa đàng bồi hồi khi thân cây bên đồi rớt mất vùng
trời mùa xuân thành cây cung lạnh lùng.
Hoa của mùa xuân không
còn nữa, nhựa không dâng thành trái. Khung trời sương mai êm ả với bình minh
hoa nắng giờ đây có gắt gỏng đi về, nắng rịn mồ hôi và bình minh là chát chúa.
Trên cành trúc sau hè
bắt đầu có tiếng gió xạc xào chứ không dặt dìu như thủa xưa. Con sơn ca cúi
xuống đời mình nhìn mũi tên nhọn. Tiếng ca bây giờ không là tiếng vỡ lòng ngày
đầu tập hót với me, mà là tiếng hót chọn lựa của tự do và lòng mến. Tiếng hót
tập tành bằng cung điệu rất đỗi riêng.
Con sơn ca nhìn trời
cao, đôi cánh rung theo nhịp vót của mũi tên. Người ta vẫn nghe tiếng lanh lảnh
trong đêm tối khi mặt trời chưa kịp lên, người ta vẫn nghe tiếng thiết tha
trong đêm tối khi mặt trời đã rơi chìm xuống bên kia đồi chiều. Con sơn ca vẫn
hót. Cành tre cứ thành mũi tên. Cành cây cứ thành cánh cung. Và đời con sơn ca
cứ là bài hát gieo trên cành tre, rải xuống rừng cây:
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
Tấm áo dài mẹ may cho
thủa nào bắt đầu vương bụi vất vả. Ðức Yêsu lau mồ hôi trên vùng trán bằng tà
áo ấy. Áo không còn ngây thơ, không còn mộng mơ ngày theo mẹ lên đền thánh dâng
lễ nữa. Khi thời giờ đã điểm thì không phải nước thành rượu ngon nữa mà rượu
ngon thành giấm chua. Trên cánh đồng Galilêa chiều hôm nao, những thúng bánh mì
thơm mùi gạo mới nướng không còn hương bài ca biết ơn. Ðức Yêsu đang đi trên
những tấm bánh hóa thành đá cứng có thể ném chết người. Những tấm bánh hóa đá
và bước chân trệu trạo mà hoa vẫn nở trên đường đi, hoa trong linh hồn, hoa
trong lời ca, hoa rất đỗi thiết tha.
Bình an cho các con! Bình
an cho các con!
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
Xin Thượng Ðế cho con
nghe thấy tiếng hót sơn ca trong những tấm bánh hóa đá và rượu ngon thành giấm
chua trước cuộc đời Ðức Yêsu. Trong những lo lắng dật dờ hồn con dễ biến niềm
tin thành giấm, tương lai thành đá cứng. Xin cho con như bóng sơn ca hót trong
màn đêm của trời chưa sáng và trong màn đêm khi mặt trời đã đi rồi, để đời cứ
là một bài ca gieo trên mũi tên và rải xuống rừng cây.
*
* *
Săn đuổi.
Cành tre thành mũi tên
và thân cây thành cánh cung thì cuộc tìm kiếm bắt đầu.
Cành tre thành gian dối.
thân cây thành giấu giếm.
Con sơn ca bị săn đuổi.
Bên dòng suối tĩnh mịch, con sơn ca soi đời mình để tìm một giai điệu đẹp nhất
cho tiếng hót. Vút lên cao nữa, lanh lảnh lên cao nữa cho tiếng mình rẽ lối gọi
rõ vào cuộc đời một tiếng hót vô thường.
Ngửa mặt nhìn trời cao,
qua biết bao núi đồi, biết bao thung lũng, qua bao nhiêu rừng gai, bao nhiêu
bến chợ chiều, bây giờ mới thành tiếng hót độc đáo của riêng mình, làm sao mà
nó im tiếng được.
Gió về bay trong bão
lốc, người ta vẫn nghe tiếng nó dạt theo chiều sóng thành bài ca. Mưa hối hả,
người ta vẫn nghe tiếng nó nhịp vào tiếng rơi của mưa thành hòa âm. Mưa không
đuổi được lời ca bão không giam được tiếng hót.
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
"Hàng ngày ta vẫn ở
trong đền thờ". Ðức Yêsu trả lời như thế khi người ta tìm cách bắt Người.
Con sơn ca biết khi cành gai nhọn ghim vào tim, bài ca sẽ thành bất tử. Nó đón
chờ cành gai vì biết bài ca bây giờ mới thành tuyệt đối.
Vì bài ca nó vào đời, nó
muốn để lại bài ca ấy cho đời, và bài ca chỉ để lại bằng cành gai ghim thâu qua
con tim. Nó yêu bài ca hơn sự sống, yêu tiếng hót hơn thời gian. Ðức Yêsu vẫn ở
tong đền thờ. Cánh cung và mũi tên đã giương bắn, Không cần là tay thiện xạ bắn
giỏi vì hàng ngày Ðức Yêsu vẫn ở trong đền thờ. Một bài ca thôi. Một cung đàn
thôi. Ðời Ðức Kitô vẫn là:
Bình an cho các con!
Bình an cho các con!
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
Lạy Thượng Ðế, có nhiều
thứ săn đuổi con trong cuộc sống lắm, săn đuổi của lười biếng, săn đuổi của sợ
hãi, săn đuổi của sự chết. Xin cho con biết con vào đời làm gì, sẽ đi về đâu
khi hoàng hôn buông xuống để con không nhát đảm, cứ đưa đời mình xuôi dòng về
với trùng khơi.
*
* *
Sự chết.
Cây cung giương lên tìm
con sơn ca bắn tới. Trên ngọn cây sầu đông, tiếng hót con sơn ca theo gió bay
về cõi trời mênh mông.
Mũi tên ghim qua lồng
ngực và cuộc tập tành trong cung hưởng bản trường ca hoàn tất.
Cuộc đời là bản trường
ca thì khi mũi tên bắn qua con tim là lúc nốt nhạc đẹp nhất rung lên kết thúc
làm thành trọn vẹn một bài hòa âm. Giã từ trong tiếng hót đi về trời cao thăm
thẳm. Con sơn ca rũ cánh gói trọn tiếng gọi thâm sâu nhất của tâm hồn là đem
cho núi rừng âm nhạc bằng chính đời mình.
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
Trên ngọn cây sầu đông
nở mùa hoa nhân ái. Con sơn ca không phẫn nộ nhưng gởi lại bài ca cho chính
cành trúc sắc nhọn đã ghim vào tim mình. Phải chăng vì thế trong khúc rẽ rỗng
im lặng kia mới chứa ngàn vạn tiếng gió thiên thai. Chỉ có tiếng sáo của loài tre
sắc mới hứng đọng được một chút tiếng lanh lảnh vi vút của con sơn ca mà thôi.
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
Lúc Ðức Yêsu gục đầu tắt thở thì cây thập tự trổ nụ đơm
bông mùa cứu rỗi. Rừng cây không bị trừng phạt vì đã đóng đinh Ngài vào tấm
thân gỗ. Lá cứ xanh và rừng cây cứ thì thầm với mưa hiền hòa, với nắng thênh
thang. Trên cây thập tự, Ðức Yêsu không phẫn nộ với vũ trụ mà tiếp tục tiếng
hót bao dung của con sơn ca trong trái tim vô cùng độ lượng: "Xin Cha tha
cho tất cả". Từ lời cầu xin ấy, mây cứ thong thả bay, dòng suối cứ thong
thả buông tiếng thơ. Và, bài ca tiếp tục xuôi thời gian gởi vào cuộc đời:
Bình an cho các con!
Bình an cho các con!
- Hãy yêu thương và hãy
yêu thương!
*
* *
Lạy Thượng Ðế, bao dung
là con đường Ðức Yêsu đã đi, là tiếng con sơn ca hót trước giờ chết:
- Con chưa bao dung được
với đời thì xin cho con được nghe tiếng bao dung từ Ðức Yêsu.
- Trái tim con chưa bình
an được như con sơn ca hót bài ca yêu mến khi nhìn mũi tên nhọn, thì xin cho
đời con đừng là mũi tên.
- Con lỗi phạm thì xin
cho con phổ được nhạc sám hối trong khúc tre sắc để tiếng hót của con sơn ca
đọng lại hồn con đôi chút.
- Và, nếu hồn con không
bình an như con sơn ca cứ cất tiếng hót trong bóng đêm, thì xin cho con biết
lánh xa bóng đêm.
Phêrô Chối Thầy
Phêrô đang ở dưới sân,
một người đầy tớ gái của thượng tế đi tới; thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông
chòng chọc mà nói:
- Cả bác nữa, bác cũng ở
với cái ông người Nadarét, ông Giêsu đó chứ gì!
Ông liền chối:
- Tôi chẳng biết, chẳng
hay cô muốn nói chi!
*
* *
Chối lần thứ nhất:
Nhìn kỹ đoạn văn trên,
ta thấy những chi tiết sau:
Một - Chỉ có một, không
phải hai.
Ðứa tớ - Ðầy tớ, không
phải người địa vị.
Gái - Tớ gái, không phải
trai.
Như vậy, kẻ Phêrô gặp
mặt tối đó là người mang địa vị thấp nhất trong xã hội bấy giờ. Chỉ một đứa,
lại là đứa đầy tớ, mà lại là tớ gái! Thế mà Phêrô hoảng sợ. Làm sao lại có thể
sợ hãi trước một người không quyền hành, không địa vị gì như thế? Chỉ là một tớ
gái!
Cung cách của Phêrô chối
nữa, ông chối bằng ngôn ngữ rất đặc biệt:
Tôi chẳng hay chẳng biết
chị muốn nói chi!
Chợt nghe câu đó, người
nghe xem ra như ông đâu có chối. Ông chối rất nhẹ nhàng. Ông làm bộ như không
rõ chuyện gì. Ngôn ngữ hôm nay, người ta bảo là kiểu nói đánh trống lảng.
Chối lần thứ hai:
Tin Mừng kể tiếp:
Rôì ông bỏ đi ra phía
tiền đường. Bấy giờ có tiếng gà gáy. Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với
những người đứng đó:
- Bác này cũng thuộc bọn
chúng đấy.
Ông Phêrô lại chối.
Qua đoạn văn trên, người
đọc thấy sau khi chối lần thứ nhất xong, ông không còn ngồi chỗ đó nữa. Ông đi
ra phía ngoài cổng. Như vậy, đối với khoảng cách trong không gian là ông xa
Chúa thêm một khúc đường rồi. Chối lần thứ nhất ông còn ở giữa sân, còn gần
Chúa. Bây giờ bỏ đi ra ngoài. Cái xa cách không gian ấy diễn tả một khoảng xa
hơn trong tâm hồn. Nó là một khoảng tội nặng hơn.
Lúc nẫy ông chỉ đối diện
với một đứa tớ gái thôi. Bây giờ đứa tớ gái nói với "những người có
mặt". Như thế, ông đối diện với nhiều người. Chối Chúa lúc nẫy trước mặt
một người, tội nhẹ hơn trước mặt nhiều người chứ. Hai lần chối không mang mức
độ giống nhau. Lần này xa hơn, nặng hơn. Ông chối Chúa công khai hơn.
Chối lần thứ ba:
Lần thứ ba này Tin Mừng
Máccô cho biết những chi tiết cuộc chối bằng ngôn ngữ rất tinh vi, rất chính
xác. Chính xác trong chi tiết để diễn đạt cái tang thương của Phêrô. Tin Mừng
kể:
Một lát sau những người
đứng đó lại nói với ông:
- Ðúng là bác thuộc bọn
chúng, vì bác cũng là người Galilê!
Nhưng ông Phêrô liền
thốt lên những lời độc địa mà thề:
- Tôi thề là không hề
biết người các ông nói đó. (Mc 14:70-71).
Ở đây có bốn điểm chú ý,
người đọc cần ghi nhận trong lần chối thứ ba này:
1. Không phải là một
người tố cáo nữa mà là "những người có mặt" đều tố cáo. Một người tố
cáo, ít nguy hiểm hơn nhiều người.
2. Tố cáo này xác đáng
vì đi vào chi tiết lịch sử của Phêrô, họ nhận ra giọng nói của ông là người
Galilê, họ biết rõ gốc gác, còn chối vào đâu?
3. Vì hai lý do trên,
lần này Phêrô không chối nhẹ nhàng như lần đầu, ông lấy lời "độc địa mà
thề".
4. Câu ông thề là:
"Tôi không hề biết con người đó là ai".
Như thế, ông quyết liệt
công khai chối bỏ liên hệ với Ðức Kitô để cứu lấy mạng sống. Bây giờ ông không
cần biết con người ấy là ai nữa. Ông chỉ biết làm sao thoát thân trong lúc này.
Xét trong ba lần chối,
người đọc thấy rõ tiến triển của ba lần khác nhau. Mỗi lần nặng thêm chứ không
phải ba lần giống nhau. Ba lần chối như ba nấc thang của một con dốc xuống vực
sâu. Mỗi lần là một bực sa xuống sâu hơn, sâu hơn nữa.
Giờ đây nhìn lại đời
Phêrô, ta thấy thảm cảnh bi đát của thân phận một con người. Con người này làm
được gì? Cả đời ông toàn là lỗi lầm. Cứ mỗi lúc ông lại lỗi nặng hơn. Lầm lỗi
ngay khi theo Chúa ba năm trước ở biển hồ Galilê cho đến ba năm sau, giây phút
sau cùng trước khi Chúa chết vẫn cứ lầm lỗi.
*
* *
Bi kịch trên là thảm
cảnh não nề cho đời Phêrô. Bi kịch ấy cũng là thảm cảnh não nề cho Ðức Kitô,
một Rabbi mà có một môn đệ kém như thế. Nhưng đàng sau bi kịch này, đâu là mối
dây liên hệ của hai người? Ta hãy tìm hiểu.
Chắc chắn Phêrô thương
Thầy. Sau khi Chúa bị bắt, các môn đệ khác bỏ chạy. Phêrô cũng thế, nhưng không
chạy xa. Không biết Thầy mình ra sao, ông trở lại, lẻn vào dinh thượng tế nghe
ngóng. Nếu ông bỏ Ðức Kitô chạy xa thì đâu xảy ra nông nỗi này. Tội nghiệp cho
ông vì ông thương Chúa.
Chiều sâu phía bên kia
lỗi phạm của Phêrô vẫn có tình thương. Nói về tình thương sâu kín này, ta hãy
ngoảnh lại nhìn một chút về chuyện Phêrô bị mắng lần thứ hai xem sao. Lần đó,
Chúa mắng Phêrô "ngu tối". Giả sử hôm đó Phêrô lặng im đừng hỏi thì
đâu bị mắng. Lời xin của Phêrô: "Thưa Thầy xin giải thích dụ ngôn đó cho
chúng con" đã đưa Phêrọ vào tròng. Lời xin ấy nói rằng Phêrô chậm hiểu. Vì
lời xin đó, ông bị mắng. Ðàng sau lời xin, cho ta thấy chiều sâu trong trái
tim, ông quý lời của Chúa. Không hiểu, ông hỏi chứ không im lặng bỏ qua. Có thể
vài môn đệ khác cũng không hiểu. Nhưng đối với Phêrô, ông quý lời của Chúa. Ông
không để lời đó trôi đi. Bằng chứng khi có người bỏ Chúa, Chúa hỏi các môn đệ
có bỏ Chúa không. Phêrô là người thưa trước tiên: "Thưa Thầy, bỏ Thầy con
biết theo ai, Thầy có Lời ban sự sống" (Yn 6:68). Ta thấy tội nghiệp
Phêrô. Ông có yếu đuối, lỗi phạm nhưng luôn có trái tim.
Ðối với Chúa, Chúa phải
mang cái bi thảm của một môn đệ chậm hiểu, kém tin, hành động lung tung. Nhưng
Chúa không bỏ môn đệ này.trong yếu đuối, người môn đệ này có một tâm hồn.
Phêrô chối Ðức Kitô vì
quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu. Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối
bỏ, tìm đường trốn. Nhưng trước yếu đuối ấy Phêrô đã khóc. Nhớ lại lời Chúa nói
về thân phận mình, ông òa khóc nức nở.
Ðời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mạnh, giữa trọn
vẹn và dang đở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm
ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Ðời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn
đấu gặp thất bại, có lên cao gặp vực sâu.
Theo sát lời tường thuật của Phúc Âm, ông lầm lỗi và bị
mắng nhiều quá. Tuy nhiên, có điều trong trái tim ông, Chúa có một chỗ đặc
biệt. Trong tất cả trăn trở ấy, tim ông có một ước mơ. Cho dù yếu đuối, ông vẫn
có một ước mơ. Cho dù chơi vơi giữa dòng nước, ông vẫn có một ước mơ. Ông
thương Thầy mình.
Ðức Kitô không đếm chân ông đã bước được những bước thánh
thiện nào. Ngài cũng không chối từ vì ông đã bước sai bao nhiêu bước. Ngài chỉ
nhìn vào ước mơ trong trái tim ông. Và ở ước mơ đó, Thầy trò họ gặp nhau.
* * *
Lạy Chúa, Chúa không lầm khi chọn người môn sinh yếu đuối.
Chúa không sa thải lúc người môn sinh lỗi phạm.
Chúa lấy kiên nhẫn dẫn đi.
Chúa là Thầy dạy lấy tình thương chịu đựng.
Chúa nhận thập giá về phía mình để người môn sinh được nâng
lên cao.
Chúa không lầm khi gọi Phêrô.
Lúc nào trong tim con có mơ ước theo Chúa, Chúa sẽ không
nhìn đến yếu đuối của con, chỉ nhìn vào ước mơ ấy trong tim con thôi.
Những Ðôi Chân Ðau
Ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý
định nộp Ðức Giêsu. Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay
Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong
một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng.
Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn
thắt lưng mà lau. Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người:
- Thầy mà lại rửa chân cho con sao?
Ðức Giêsu trả lời:
- Việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ
hiểu.
Ông Phêrô lại thưa:
- Thầy mà lại rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu.
Ðức Giêsu đáp:
- Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh không được chung
phần với Thầy.
Ông Simon Phêrô liền
thưa:
- Vậy, thưa Thầy xin cứ
rửa, không những chân, mà cả tay và cả đầu con nữa.
Ðức Giêsu bảo ông:
- Ai đã tắm rồi không
cần phải rửa nữa, toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch,
nhưng không phải tất cả đâu!
Thật vậy, Người biết ai
sẽ nộp Người, nên mới nói không phải tất cả anh em đều sạch. Khi rửa chân cho
các môn đệ xong, Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói:
- Anh em có hỏi việc
Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là "Thầy" là
"Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy là Chúa. Vậy, nếu
Thầy là Chúa là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, anh em cũng phải rửa chân cho
nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh
em (Yn 13:1-15).
*
* *
Phân tích toàn chương
13, ta thấy trong chương này có 3 bài tường thuật:
- Thứ nhất: Chúa rửa
chân các môn đệ (câu 1-20).
- Thứ hai: Giuđa phản
bội (câu 21-30).
- Thứ ba: Loan báo Phêrô
chối Thầy (câu 31-38).
Nhìn chung cả chương 13,
sự kiện Chúa rửa chân các môn đệ được đặt trước sự kiện Giuđa phản Thầy và
Phêrô chối Thầy. Bước chân của cả hai người này đều đi sai.
Xét riêng bài tường
thuật Chúa rửa chân các môn đệ, ta thấy những sự kiện rửa chân được vây bọc
chung quanh bằng những hình ảnh như sau:
- Giuđa phản bội, nhắc
lần thứ nhất (câu 2)
- Rửa Chân (câu 6)
- Giuđa phản bội, nhắc
lần thứ hai (câu 11)
- Gương Phục Vụ (câu 14)
- Giusđa phản bội, nhắc
lần thứ ba (câu 18)
Dựa vào toàn mạch văn,
sự kiện Chúa rửa chân các môn đệ bị vây bọc chằng chịt ba lần bằng sự phản bội
của Giuđa và bàn chân đi sai của Phêrô. Ngay sau đó, nửa chương 13 dành nói về
tiệc ly là nhúng miếng bánh trao cho Giuđa. Bầu không khí ở đây toàn là những
bước chân đi sai của môn đệ và tình bao dung của Ðức Kitô. Vậy, đâu là chiều
sâu trong ý nghĩa Chúa rửa chân các môn đệ?
Chúa rửa chân các môn đệ
có là hành vi khiêm nhường để các môn đệ bắt chước, phục vụ nhau không? Chắc
chắn là có, vì Phúc Âm nói đến. Nhưng xét theo mạch văn, chỉ vỏn vẹn có câu 14
và 15 nói về vấn đề phục vụ: "Nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho
anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em,
để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Yn 13:14-15).
Hai câu này dễ kéo sự
chú ý của người đọc. Nhưng xét theo toàn bài, sự nổi bật này mang tính cách lạc
lõng, chưa chắc là tư tưởng chính. Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và phêrô cho
thấy sự kiện rửa chân không liên quan đến vấn đề Chúa hạ mình phục vụ, nêu
gương cho các môn đệ noi theo.
Chúa tiến đến Phêrô, ông
co chân lại từ chối. Ông không thể hình dung Thầy lại cúi xuống rửa chân học
trò. Ðiều ấy đối với Phêrô là xúc phạm. Trò không thể để Thầy lại rửa chân trò!
Chính thế ông kêu lên: "Không đời nào con chịu để Thầy rửa chân cho con
đâu" (Yn 13:8). Phêrô nhìn hành động rửa chân là phục vụ. Ông không thấy
chiều sâu khác là chân ông cần được thanh tẩy vì chân ông bước sai.
Câu trả lời của Chúa cho
thấy việc rửa chân Phêrô mang một chiều kích sâu xa khác, không là phục vụ như
Phêrô nghĩ: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh không được chung phần
với Thầy" (Yn 13:8).
Ðôi chân Phêrô:
Tại sao Ðức Kitô không
rửa chân Phêrô, thì ông không được "chung phần" với Ngài?
Ðây là chìa khóa mở ý
nghĩa đoạn Phúc Âm Chúa rửa chân này vào chiều kích sâu hơn. Phêrô phải được
Chúa rửa chân để được thông phần cứu độ. Trong ý nghĩa này, Chúa không rửa chân
Phêrô để nêu gương khiêm nhường phục vụ, mà rửa chân để Phêrô được chung phần
ơn cứu rỗi. tại sao?
Phêrô đã đi với Chúa một
hành trình rất dài, bao nhiêu lần ngang dọc theo biển hồ Galilê, bao nhiêu đêm
dưới ánh trăng. Trò đã theo Thầy bước ngang qua những vườn ô liu im lặng. Chân
đi bên chân, chân vào sa mạc, chân lên núi. Thầy trò có nhau. Nhưng khi Ðức
Kitô tỏ cho Phêrô mầu nhiệm cứu độ, Ngài phải về Jêrusalem chịu tử nạn thì
Phêrô không chấp nhận đi cùng bước chân ấy nữa. Ông kéo Chúa ra, lên tiếng
trách Ngài (Mc 8:32).
Bây giờ mới rõ những
bước chân!
Ôi! Những bước chân đi
sai!
Từ giây phút loan báo
cuộc tử nạn này, bước chân Phêrô rất khác. Ông bước những bước xiêu vẹo. Ông
nghiêng đổ vì đôi chân đau. Ông ngủ li bì trong lúc Chúa cầu nguyện thống khổ
như Tin Mừng ghi lại. "Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ
sao?" (Mc 14:37). Lời cầu nguyện của Chúa như thương chính mình, xót xa
cho một liên hệ mà những bước chân kia thờ ơ. Phêrô không cầu nguyện dù Chúa đã
cảnh giác tỉnh thức kẻo sa chước cám dỗ. Ông sắm sẵn một thanh gươm và vung tay
chém (Yn 18:10).
Ông có bước chân riêng
của ông!
Ôi! những bước chân đi
sai!
Cái nghiêng ngả bi đát
nhất trên đôi chân ông là đã chối Chúa. Chối lần thứ nhất xong, bỏ đống lửa đó
đi ra phía tiền đường (Mc 14:68). Bước ra phía tiền đường là bước ra phía
ngoài, như thế bước chân ấy lại đưa ông xa Chúa hơn một đoạn nữa.
Ông tìm bước chân chạy
trốn.
Ôi! những bước chân đi
sai!
Trong đời, bước chân tôi
cũng nghiêng ngả vậy thôi. Ðường về thánh thiện nhiều gian nan. Lối đến nhân
đức lắm bụi sương. Linh hồn hay mệt mỏi hoang vu. Chân đi sẽ đau. Lối đi có
thương tích và ngày tháng nhiều khi thất vọng.
Ôi! những bước chân thân
phận làm người!
Ðức Kitô biết bước chân
những người học trò mình. Bước chân của chúng là đợi trông Thầy có vương quốc
vinh quang, với đất đai, với thành quách. Những bước chân ấy sai nhiều lắm.
Những bước chân ấy cần phải được thanh tẩy, nếu không làm sao bước theo đường
lối của Thầy được. Nó phải được rửa.
Chính Maisen cũng phải
bỏ dép mới được bước đến gần Yavê. Thấy lửa bừn cháy trong bụi gai, gai không
hề bị thiêu hủy, ông muốn lại gần xem. Thiên Chúa đã gọi ông từ bụi gai mà
rằng: "Maisen! chớ lại gần, cởi dép khỏi chân đi vì chỗ ngươi đang đứng là
thánh địa đó" (Xh 3:5).
*
* *
Lạy Chúa, bước theo Chúa
vào tuần thánh, vào tuần tử nạn làm Phêrô nghiêng ngả. Chỉ có những đôi chân
thánh mới bước vào chốn thánh được. Các môn đệ chạy trốn. Có kẻ chạy vung áo
tìm đường thoát thân. Chống đối đường về Jêrusalem. Vì thế, Chúa mới nói:
"Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ không được chung phần với Thầy".
Bước chân Phêrô yếu đuối, nếu Chúa không nâng đỡ làm sao ông đi được.
Ðôi chân con tê dại vì yếu đuối của tội.
Ê ẩm lười biếng không muốn lên đường.
Ðôi chân con bước vào những vùng hoang dại của ảo ảnh. Nếu
Chúa không rửa chân, làm sao con bước vào tuần thương khó Chúa đi qua.
Ðôi chân con đau vì thất vọng trong đời sống. Nếu Chúa
không rửa chân cho con, làm sao con còn nghị lực bước đi.
Ðôi chân con tật nguyền vì lầm đường.nếu Chúa không rửa
chân con, làm sao con sạch dấu ấn vì đã bước vào lãnh địa tà thần.
Cuộc sống cần bước đi. Bước vào nơi thánh. Bước chân ấy đưa
con đến hạnh phúc, nhưng làm sao con bước vững được trên cõi đời này.
Cũng như vợ chồng bước đi bên nhau trong đời. Những bước
chân dẫm lên đời nhau rất đau đớn. Nếu không lấy yêu thương mà rửa chân cho
nhau, làm sao đi với nhau nổi trong hôn nhân.
Lạy Chúa, bước chân con mang nhiều thương khó của cuộc đời,
mang nhiều tội lỗi của thân phận con.
Xin Chúa lấy lòng xót thương rửa chân con. Ðôi chân con xa
cách, nếu Chúa không lấy tha thứ rửa chân con làm sao con đi về.
Lối Ði Của Con Kiến
Một đàn kiến đông đảo vô cùng, không biết cơ man nào mà kể.
Ấy thế mà chết cũng không biết bao nhiêu. Làm sao chúng bị chết? Trong đoàn
kiến sống sót, có con kiến suốt đời u uẩn một mùa tang chế trong hồn nó. Ðoản
bi ca ấy nó viết về sự sống đi bên cõi chết. Ðoản ca bắt đầu như thế này:
Phần một: Tiếng lòng u uẩn của con kiến
Tiếng kèn hối hả ban hành. Ðoàn đoàn, lũ lũ bước chân kiến
chúng tôi réo gọi nhau lên đường. Một cuộc ra đi tìm đất sống mới. Dấp dáng
biển đỏ và sa mạc, thấp thoáng mênh mông nắng đá trong ngày con cái Maisen tìm
về đất hứa, chúng tôi cũng vậy. Cuộc ra đi thật ý nghĩa làm sao.
Trên hành trình ấy, sống và chết dựa lưng nhau như đau khổ
và hạnh phúc của những chuyện tình. Hạnh phúc đấy, mà đau khổ cũng có thể như
con sóng xô bờ, bất chợt đến. Chúng tôi băng qua ghềnh đá cheo leo. Chúng tôi
chìm xuống vực sâu hiểm nghèo. Ðêm và ngày đều tắm đẫm bằng thách đố gian nan.
Nhưng trong tim, chúng tôi cố giữ cho nhau lời ca và tiếng nhạc. Chúng tôi thổi
xuống chân mình gió của tiếng kèn mơ ước. Chúng tôi đẩy gót chân nhau bằng nốt
nhạc kiên nhẫn. Vì thế, chân chúng tôi bớt mỏi, lòng chúng tôi bớt ủ ê.
Qua bờ lau, đá cuội, qua rừng gai gian khổ, chúng tôi thấy
ý nghĩa một cuộc lên đường đẹp như thế nào. Hành trình đi tìm đất sống, ngàn
ngàn, lớp lớp chúng tôi đi tới như rừng sao chuyển mình. Băng qua những vùng
tối tăm của rừng gai, trèo lên những khe nứt của đá cheo leo, mù mịt, thế mà
không ai trong chúng tôi chết cả. Càng gần thách đố, chúng tôi càng thêm dũng
cảm. Càng qua tăm tối, chúng tôi càng giăng mình dưới nhẫn nại.
Cuộc đời có những không ngờ của nó. Có ai ngờ, chúng tôi
không chết ở rừng sâu núi đá, chúng tôi bị chết trước cửa đền thờ! Ðền thờ là
nơi nhân ái, bao dung, thánh thiện, thế mà là mồ chôn đời chúng tôi.
Ngày đó, chúng tôi bị nghiền nát, không biết cơ may nào mà
kể. Cho đến bao giờ loài kiến chúng tôi mới biết những bí ẩn của đền thờ và sự
chết ấy.
Tôi viết bài ca này như tiếng thơ băn khoăn của lòng để hỏi
cuộc đời về những huyền bí của cửa đền thờ và sự chết ở đó. Chúng tôi băng mình
qua gian truân, qua góc tối xó nhà, qua khe nứt tường vôi, qua cheo leo vách
ván, qua ẩm mốc chân cột, chúng tôi không chết. Ấy thế mà, thấy bóng lời kinh,
thấy hương đạo hạnh, chúng tôi lại chết tức tưởi, chết ngay lối vào giáo đường.
Ðền thờ là gì?
- Tiếng thầm thì u uẩn trong hồn tôi là: Có khi nào cõi
thánh là nghĩa trang buồn?
- Có khi nào cổng đền thờ là lối ra mất tâm đạo?
Từ bài ca của tâm, tôi muốn gọi vào cõi đời để hỏi những vì
sao trên trời, để hỏi những bóng tối dưới vực sâu, đâu là ranh giới huyền bí
giữa sống và chết, vì sao sự chết đã nắm bắt chúng tôi giữa những bậc thềm vào
cõi thánh?
Phần hai: Một lối đi, một con đường.
Hạnh phúc có lối ngã riêng. Ðường vào cõi chết có tên gọi
khác. "Hãy vào cửa hẹp vì đường rộng sẽ dẫn đên hư vong." Bầy kiến
đến bậc cửa đền thờ, ôi! những bờ đá mênh mông, êm như dòng sông không gợn
sóng. Buồn làm sao! định mệnh của những con đường thênh thang. Chúng đâu ngờ
con đường thênh thang ấy dẫn vào cõi chết. Nhìn con đường thênh thang, bầy kiến
quên rằng mỗi người có một lối đi, mỗi lối đi có một con đường. Và, mỗi con
đường dẫn đến một khung trời khác nhau: Sự sống hay cõi chết.
Nhìn thấy thềm đá vào đền thờ rộng mênh mông, phẳng phiu,
cứ thế chúng tôi ùa lên mà đi. Cứ mỗi bước chân con người dẫm lên bậc thềm,
hàng trăm nhà kiến chúng tôi bi nghiền nát. Nhìn bậc cửa đền thờ mênh mông, bầy
kiến chúng tôi quên rằng con đường an toàn của kiến là bờ vách, là góc đá,
không phải mặt phẳng của các bậc thềm, không phải con đường thênh thang.
Con kiến viết những tiếng lòng u uẩn trên đây là con kiến
đã chọn cho mình một lối đi rất hẹp, nó không bước trên thềm đá rộng của các
bậc tam cấp mà cứ men theo kẽ góc mà đi. Con kiến nào bò sát trong góc của bậc
thềm là băng qua được sự chết. Người ta cứ bậc thềm rộng mà giẫm chân lên, nên
không biết cơ man nào là kiến đã bị giết chết.
Cũng vậy thôi, con đường hẹp sẽ dẫn vào Nước Trời, còn con
đường thênh thang sẽ dẫn tới hư vong.
* * *
Con kiến hỏi tại sao, giữa cửa vào đền thờ mà cũng có sự
chết. Nó muốn hỏi bóng tối dưới vực sâu, tại sao lối vào cõi thánh mà có u buồn
nghĩa trang. Tiếng băn khoăn cõi lòng của nó, cũng có thể là tiếng Chúa vọng
lên một âm vang đã lặng lẽ trong hồn con người từ lâu.
Người ta có thể bước vào đền thờ mà lối ấy không dẫn đến
cõi tâm của Ðạo.
Người ta có thể từ đền thờ bước ra mà tâm vẫn không có hồn
đạo.
Bởi, con đường dẫn tới cõi tâm vẫn là con đường Chúa đã căn
dặn: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến
diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến
sự sống, nhưng ít người tìm được lối này" (Mt. 7:13-14).
Xa giới luật Chúa, thì có bước vào đền thờ vẫn là bước
ngoài tâm đạo. Cái chật chội của con đường hẹp là đưa mình vào giới luật. Với
con đường hẹp ấy thì đi đâu cũng gặp Ðạo, vì cõi tâm lúc ấy chính là Ðường rồi.
Cứ hỏi lòng mình chứ đừng nhìn bước chân mình đang ở đâu.
Có thể trong đền thờ mà hồn Ðạo không có trong tâm. Có thể trong đền thờ mà
tính toán chuyện không thánh. Con đường hẹp ở trong cõi lòng.
* * *
Lạy Chúa,
Không phải cứ bước vào đền thờ là tìm thấy Ðạo. Không phải
cứ bước ra khỏi đền thờ là có Ðạo.
Qua tiếng u uẩn trong lòng con kiến nhỏ, phải chăng Chúa
nhắc nhở con về sự chết nguy hiểm của đường rộng dễ dãi ngay trong đền thờ.
Chúa muốn con hồi tâm, muốn con nhìn lại lối sống hôm nay
và vẽ lại cho mình một lối đi.
Ðền Thờ Phanxicô - Goa
Nghĩ lại câu chuyện 13 năm về trước thật kỳ thú. Ðường vào
Macao đã nghẽn lối, thế mà sau cùng tôi vẫn có mặt cùng với nhóm người các cha
dòng Don Bosco. Tôi sẽ kể tiếp cách nào tôi vào Macao được và những điều rất
ngạc nhiên xẩy ra. Bây giờ tôi đang có mặt ở Goa, nơi lưu giữ xác thánh nhân.
Hôm nay ngày 29 tháng 3 năm 2001.
Tôi không còn ở bờ biển Goa nữa. Tôi về thành phố, ở trọ
nhà các Cha Dòng Tên. Các Cha rất hiếu khách, tôi xuống bếp bất cứ lúc nào đói,
lấy đồ ăn tự nhiên như nhà mình. Từ cửa sổ phòng ăn, nhìn qua bên kia là nhà
thờ... một công trình kiến trúc tuyệt vời theo lối Bồ Ðào Nha. Nhà thờ Công
Giáo nhưng là thắng cảnh của thành phố nên nhà nước chịu phí tổn đèn điện. Từ
chập tối đến mười giờ đêm, cả nhà thờ như một khối cẩm thạch trắng sáng rực. Từ
mãi xa cũng nhìn thấy.
Goa còn nổi tiếng về rượu. Chỗ nào cũng có quán bán rượu.
Bia và ruợu ở đây không có thuế, rẻ nhất nước. Ai cũng bảo đến Goa tha hồ uống
rượu. Thành phố ngăn nắp, không có bò đi lại nghêng ngang. Phố xá sạch sẽ, có
nhiều bóng dáng du khách Âu Châu. Tiếp tục thuê chiếc xe gắn máy Honda, ông
thầy tôi quen ở Poonatên là Benedicto chở tôi đi khắp nội, ngoại thành của Goa.
Từ trung tâm thành phố đi chừng nửa tiếng là tới nơi lưu giữ xác thánh Phanxicô
gọi là Old Goa, thành phố Goa cổ.
Thầy Benedicto thật tốt lành, đang học thần học. Tôi hy
vọng thầy sẽ là một linh mục tốt. Nước da của Benedicto chỉ ngăm ngăm đen thôi,
dòng họ thầy không phải là người thổ dân Ấn, có thể mấy thế hệ trước đã lai gốc
Âu Châu. Ngay tên gọi của thầy cũng thế, Benedicto là tên gọi rất Âu Châu chứ
không phải tên Ấn Ðộ dài lòng thòng, khó phát âm. Thầy chở tôi đi khắp nơi, cắt
nghĩa những thắng cảnh lịch sử của Goa. Thầy dẫn tôi vào gặp Cha giám đốc trung
tâm của nhà thờ đang lưu giữ xác thánh Phanxicô. Dĩ nhiên cha cũng là linh mục
Dòng Tên. Ðược biết tôi từ Việt Nam đến, không có nhiều thời giờ nên Cha cho
tôi dâng lễ ngay sáng đó. Tôi còn giữ mấy dòng chữ Cha viết cho nhân viên coi
phòng thánh dọn đồ lễ cho tôi: Father Joseph, Jesuit will say mass at
Mausoleum.
Từ cuối nhà thờ đi vào, xác thánh nhân đặt bên cánh phải
gần cung thánh, trên cao. Khách hành hương kính viếng có thề quỳ trước hòm đựng
xác, có song sắt bảo vệ, không vào trong khu bàn thờ được. Thấy nhân viên bảo
vệ dọn lễ mở cửa cho tôi vào dâng lễ bên trong mộ bia, mấy người hành hương
cũng theo vào. Sau lễ họ xin chụp hình chung và cám ơi tôi nhiều lắm, họ nói
rằng quá may mắn được có cha dâng lễ và được tham dự thánh lễ bên cạnh xác
thánh, một đặc ân không ngờ trong chuyến du lịch của họ.
Xác thánh nhân còn nguyên nhưng khô lại như vỏ cây. Dĩ
nhiên không còn lành lạnh tất cả. Một cánh tay đã bị chặt đưa về nhà thờ Giêsu
ở Roma. Khi người ta cải mộ từ Trung Hoa đem về Roma, đi ngang qua Goa, dân
chúng giữ xác lại không chịu cho đem đi. Ngay sau khi chết, Phanxicô Xavier đã
làm phép lạ. Cùng lúc hiện ra những chỗ khác nhau cứu người bị bão biển. Lúc
bốc xác, xác còn nguyên không bị hư nát. Vì Goa là vùng đất Ngài đã đặt chân
tới lúc ban đầu nên dân chúng nhất định giữ lại. Ðối với Dòng Tên ở Roma thì
nhất định phải có mặt Phanxicô ở thủ đô của Giáo Hội vì có thể nói Phanxicô
Xavier là nhà truyền giáo rửa tội nhiều nhất trong lịch sử truyền giáo. Sau
cùng không đem được xác về Roma thì đưa một cánh tay về. Hôm nay ai đến Roma sẽ
thấy cánh tay của thánh Phanxicô Xavier được trưng bày tại nhà thờ Giêsu.
Ngày xưa xác thánh nhân được trưng bày cho tín hữu đến tận
nơi chạm vào. Nhưng có người cứ muốn lấy xương thánh làm của riêng, để bảo
toàn, hôm nay xác thánh nhân được đặt trong lồng kiếng. Vào dịp lễ hàng năm,
mồng ba tháng mười hai, hàng trăm ngàn người hành hương đổ về Goa tham dự kiệu
thánh. Chung quanh nhà thờ là một công trường mấy mươi mẫu đất, rộng mênh mông
để tiếp đón khách hành hương thập phương. Bên cạnh không xa là nhà thờ chính
tòa của Goa. Giữa vùng đất của các thần linh Ấn Giáo, về đến Goa ta có cảm
tưởng như về Roma của Giáo Hội.
Tôi quỳ bên mộ xác Phanxicô, hình dung con người đầy dũng
cảm này trong những ngày đầu tiên trên đất Ấn. Hơn bốn trăm năm về trước,
Phanxicô Xavier chỉ là một người đàn ông mới ngoài tam thập, 36 tuổi, đến một
vùng đất đầy chướng khí, âm u, muỗi độc, nước độc. Bấy giờ lên đường truyền
giáo là vĩnh biệt quê hương, là ra đi không hẹn ngày trở lại. Thật sự là chết
đi trong lòng cho một tiếng gọi cao cả. Hôm ở bến tầu Lisbon từ giã những thành
phố Âu Châu, không biết Phanxicô có những xúc cản nghẹn ngào nào. Ngài có nhớ
thương cha mẹ không, có biết mình ra đi không trở lại không? Thật sự là thế,
chuyến tầu định mệnh ấy đem Phanxicô Xavier ra đi, và chàng trai này đã vĩnh
biệt quê hương, một chuyến đi không bao giờ về. Bến cũ mênh mông trong tưởng
nhớ. Làm sao mà không có lúc bùi ngùi nhớ về gia đình, bạn bè, con đường xưa?
Ðối với những con người truyền giáo này Hội Thánh là một
gia đình bao trùm cả thế giới, là một vở kịch lịch sử lớn và các ngài muốn dự
phần vào. Ðức Thánh Cha thời đó là Phaolô 3 bảo thánh Inhaxiô nên quên dự tính
đi Jêrusalem, để ở lại Rôma vì không thiếu gì việc phải làm. Ðó là năm 1539,
những tu sĩ Dòng Tên đầu tiên khấn đức vâng lời và tuyên hứa một lời thề đặc
biệt là chấp nhận bất cứ sứ mạng nào Ðức Giáo Hoàng trao và sẵn sàng ra đi khắp
nơi trên thế giới. Dần dần nhóm trở thành một trong những dòng tu truyền giáo
lớn nhất trong Hội Thánh.
Chúa có cách dùng người khá kỳ lạ. Thánh Phaolô đã từng săn
đuổi các Kitô hữu. Nhưng bất ngờ, Ngài đột ngột thay đổi hết. Sau khi ngã ngựa
và hoán cải, Ngài đi nhiều nơi ở Trung Ðông, Hi Lạp và Rôma để chia sẻ kinh nghiệm
về Ðức Kitô. Ngài trở nên khuôn mẫu sau này thánh Phanxicô Xavier và các vị
thừa sai khác sẽ theo.
Lịch sử ghi lại Phanxicô Xavier không phải là thừa sai đầu
tiên được thánh Inhaxiô cử đến với dân ngoại. Thoạt tiên thánh Phanxicô Xavier
đang ở Rôma giảng trong các nhà thờ tại đây. Khi ngài phục hồi sau cơn bệnh,
thánh Inhaxiô chỉ định ngài làm thơ kí, vì dòng Tên lúc ấy đang tăng trưởng, và
thánh Inhaxiô cần người giúp để quản tự. Nhưng chưa được bao lâu thì năm 1540
vua Gioan nước Bồ Ðào Nha xin thánh Inhaxiô cho 2 tu sĩ Dòng Tên sang Ấn Ðộ,
nơi người Bồ Ðào Nha đã đến làm ăn sinh sống và truyền giáo. Lúc bấy giờ mới có
mười tu sĩ Dòng Tên thôi. Thánh Inhaxiô chỉ định 2 linh mục đi Ấn Ðộ. Nhưng
ngay đúng hôm lên đường đi Lisbon, tầu sắp nhổ neo thì một người bị bệnh nặng.
Thánh Inhaxiô gọi Phanxicô Xavier nói với ngài có thể lên đường đi Ấn Ðộ ngay
hôm sau. Phanxicô Xavier vâng lời ngay, không hỏi lại một lời nào. Dù biết có
thể không bao giờ gặp lại thánh Inhaxiô, không bao giờ nhìn lại Âu Châu, dù biết
thời ấy cứ hai người vượt đại dương thì một người chết trên biển, ngài chỉ thưa
thật ngắn gọn với thánh Inhaxiô: Vâng, con xin đi!
Chắc là nhớ nhà, những ngày xa quê hương, Phanxicô Xavier
có một túi da nhỏ, lúc nào cũng đeo trên ngực. Mỗi lần nhận được thư từ quê
nhà, Phanxicô cắt chữ ký bỏ vào túi da ấy và cứ đeo bên mình.
Phanxicô sinh ngày 7.4.1506, tầu nhổ neo rời Lisbon đi Ấn
Ðộ ngày 7.4.1541, đúng ngày sinh nhật thứ ba mươi lăm. Ðáng nhẽ chuyến tầu ấy
mang hai tu sĩ Dòng Tên, nhưng phút cuối người kia lại ở lại. Từ Roma, Phanxicô
và Rodriguez đáp tầu về Lisbon để đi Ấn nhưng về đến nơi, tầu kia nhổ neo rồi.
Hai người làm việc tông đồ ở Lisbon trong khi chờ tầu. Lúc có tầu cũng là lúc
việc tông đồ đang phát triển. Vì thế mà người kia ở lại để tiếp tục. Sau cùng
Phanxicô ra đi một mình. Chia tay nhau ở bến tầu, Phanxicô bước xuống nước. Sợ
ra đi không có ngày trở lại, bấy giờ Phanxicô mới nói chuyện bí mật trong một
giấc mơ mà người bạn cứ tò mò hỏi mãi.
Tôi trẩy đi xa anh em, chẳng còn ở chung nữa, vì tình nghĩa
anh em, tôi chẳng muốn giấu gì, điều mà anh hỏi tôi nhiều lần trong đêm tôi đã
kêu to: "Lạy Chúa, xin ban cho con thêm nữa." Ðêm ấy trong một giấc
mơ, tôi thấy mình phải chịu nhiều gian nan vì Chúa, nhưng được Chúa ban ơn, tôi
chẳng sợ gì. Nên tôi đã xin Chúa ban thêm những sự khó khăn ấy cho tôi.
Trời hôm nay rất trong và mây rất cao, Ấn Ðộ đã vào mùa
hanh nắng. Tôi đang ngồi đây bên đền thờ trên đất Ấn hình dung lại những chặng
đường xa xưa hơn bốn trăm năm về trước. Sau cuộc hành trình dài mười ba tháng
trời, Phanxicô đến Goa ngày 6.5.1542. Tôi muốn hình dung trong tâm trí lúc
thánh Inhaxiô gọi Phanxicô Xavier lại bảo ngày mai tầu nhổ neo, người Cha dự
định gởi đi bị bệnh, con có thể đi thế được không. Và Phanxicô Xavier đã không
hỏi lại lời nào chỉ nói: Vâng, con xin đi. Tôi cũng muốn hình dung giây phút
cuối cùng, lúc tầu nhổ neo, người kia ở lại không đi nữa. Tâm trạng Phanxicô
lúc đó thế nào, vì trên chuyến tầu ấy, Phanxicô ra đi một mình.
Nguyễn Tầm Thường
Goa 29.3.2001
Khi Nào Ngày Bắt Ðầu
Lúc nào đêm bắt đầu? Khi nào ngày chấm dứt?
Vị đạo sĩ hỏi người học trò:
- Ðâu là lằn mức giữa đêm và ngày? Lúc nào ngày bắt đầu?
Lúc nào đêm chấm dứt?
Người học trò suy nghĩ. Vị đạo sĩ bảo người học trò vẽ lằn
mức mặt trời mọc đến đâu là ngày, chia ranh giới lúc nào là hết đêm.
Im lặng, nhíu thêm đôi mày. Thời gian trôi qua. Không ngờ
câu trả lời khó vậy. Người thanh niên thầm nhủ: "Ta nhìn bình minh biết
bao lần, thức dậy biết bao buổi sáng, mấy mươi năm trong đời chưa một lần phân
biệt: Lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?"
Khi viết dòng này, tôi cũng mới chợt tỉnh câu hỏi của nhà
đạo sĩ. Mấy mươi năm làm người, chưa bao giờ nhìn buổi sáng hỏi chân trời lúc
nào gọi là ngày, hỏi lòng mình lúc mặt trời mọc đến đâu là hết đêm. Câu hỏi
không dễ trả lời.
* * *
Tôi đang ở Kanniyakumari, cực nam của miền đất Ấn Ðộ, cũng
gọi là Cape Comorin. Nơi gặp nhau của ba dòng nước lớn, vịnh Bengal, Ấn Ðộ
dương và biển Arabian.
Tôi muốn đến đây vì mỏm đá sau cùng của Ấn Ðộ để nhìn ba
dòng biển ấy gặp nhau và nhìn mặt trời. Nhiều du khách tìm đến đây cũng vì lý
do ấy. Ðứng quay lưng lại lục địa, trước mặt là Ấn Ðộ dương, phía trái là vịnh
Bengal, phía phải là biển Arabian. Ðiều đặc biệt nơi đây, khi trăng lên phía
Ðông ở vịnh Bangal, mặt trời xuống phía tây bên biển Arabian, cả hai đều tròng
trành trên biển đối diện nhau. Ðây là nét đẹp của biển, của trăng, của mặt trời
trên trái đất mà du khách gặp mặt cùng một lúc. Sóng nước dạt dào vô cùng tận.
Bên đông trăng lên. Bên tây mặt trời xuống. Dang hai cánh tay, ta sẽ hứng cả
trăng và trời.
Lung linh, một quả cầu tròn đỏ ối rực xuống biển cả. Du
khách đến đây chiêm ngưỡng mặt trời lặn. Tôi có mặt trong đám người đó chiều ngày
mồng 5 tháng 4, năm 2001.
* * *
Sau thời gian suy nghĩ, người học trò không sao vẽ được lằn
mức giữa ngày và đêm. Anh đánh bạo trả lời tôn sư:
- Thưa Thầy, lúc mặt trời cho con đủ ánh sáng phân biệt
được con chó khác con mèo, đó là ngày.
Vị đạo sĩ lắc đầu, hỏi người học trò:
- Phân biệt con chó khác con mèo, nhưng đủ ánh sáng để phân
biệt cành trúc khác cành tre không?
Người học trò im lặng chưa biết nói gì. Tôn sư anh ta lắc
đầu nói tiếp:
- Ðấy không phải tiêu chuẩn phân biệt ngày và đêm con ạ. Ðủ
ánh sáng phân biệt con chó với con mèo, nhưng bao nhiêu ánh sáng mới đủ phân
biệt cây trúc với cây tre? Vả lại gần bao nhiêu thì rõ để gọi là chó, xa bao
nhiêu là tối để có thể lẫn là mèo.
Sau cùng, người học trò tự thú:
- Thưa Thầy, từ lúc Thầy đặt câu hỏi con mới để ý khi mặt
trời mọc. Con không vẽ ranh giới được lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm kết
thúc. Con thức giấc mỗi sáng mà không biết lúc nào gọi là ngày, lúc nào hết
đêm.
- Con ạ, cuộc đời nhân gian đêm nhiều hơn ánh sáng. Người
ta không tỉnh thức nên sống trong đêm tối mà cứ ngỡ ban ngày. Người ta thức dậy
mỗi ngày mà không biết ngày bắt đầu lúc nào, làm sao gọi là thức dậy?
Người học trò im lặng trong ý nghĩ riêng tư, hỏi nhà đạo
sĩ:
- Thưa Thầy, người ta không quả quyết được lúc nào đêm chấm
dứt. Có phải ý Thầy muốn nói, như thế, thức dậy cũng chưa chắc là hết bóng đêm
không?
- Ðúng thế, con ạ. Thầy muốn dạy con hai điều. Ðiều thứ
nhất, con đã phí phạm biết bao bình minh, mấy mươi năm trong đời nhìn mặt trời
mà không biết đâu là ngày, đâu là đêm. Ðiều thứ hai, ngày tháng còn lại của
con, con phải trả lời câu hỏi của Thầy: Lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm
dứt?
Bao nhiêu năm thiền niệm trên ngọn núi này, ngày ngày Thầy
nhìn mặt trời mọc trên biển tìm câu trả lời. Thầy thức giấc nửa đêm trăn trở vì
câu hỏi ấy. Thầy ra ghềnh đá chờ ánh mặt trời, Thầy lấy hết tâm trí nhìn bóng
tối lui dần mà không vẽ nổi lằn ranh biên giới lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào
đêm chấm dứt. Cho đến một ngày kia...
Nói đến đó nhà đạo sĩ im lặng. Mắt ông ngời sáng, nhìn xa
xôi về phía chân trời. Người học trò lắng nghe.
* * *
Bạn thân mến, có khi nào bạn nhìn mặt trời buổi sáng với
câu hỏi của nhà đạo sĩ kia chưa? Mặt trời chưa mọc mà hừng sáng, ta chưa gọi là
ngày được, vẫn còn bóng tối, ta bảo đó là hừng đông. Hừng đông là đã có chút
áng sáng nên cũng không thể gọi là đêm được nữa. Từ cái mềm mại như ngọn chuối
non đến mầu xanh biếc của tàu chuối già, từ cái xanh nhẹ của ngọn mạ đến màu
già dặn của lúa, đâu là lằn mức phân biệt? Mặt trời lên dần, vũ trụ ngái ngủ
trở mình. Ta chưa gọi là ngày cho đến khi cái ngái ngủ kia thành thức tỉnh. Ánh
sáng làm cho cái mềm ẻo của thời gian mơ hồ thành ngày. Nhưng đâu là biên cương
giữa ngày và đêm?
Ta thấy trong cuộc đời dường như cũng thế. Ðâu là tiếp nối
giữa hạnh phúc và đổ vỡ? Bao nhiêu hạnh phúc hôn nhân lúc ban đầu đẹp vậy mà ít
năm sau, ta nghe những chuyện buồn, ta ngỡ ngàng thở dài nghe bạn bè cho hay
tin, họ ly dị rồi. Ðời mỗi người cũng thế. Có khi mình đang đặt sai về những
giá trị cuộc sống mà chẳng biết. Ðến khi hối tiếc, đã quá muộn màng. Ðâu là
biên giới của sắp sa ngã và sa ngã?
Không phân biệt được lúc nào ngày bắt đầu, khi nào đêm chấm
dứt, làm sao phân biệt được lúc nào ngày chấm dứt và đêm sắp bắt đầu? Thứ đêm
và ngày trong ý nghĩa thiêng liêng. Làm sao phân biệt được khi nào hạnh phúc
đang phai mờ và đổ vỡ đang đến? Làm sao phân biệt lúc nào giá trị thiêng liêng
đang chấm dứt và giá trị trần thế đang lấn chiếm?
Có khi ngày đang hết, đêm xuống dần mà không hay. Ta chần
chừ, tưởng đời mình còn dài, trước ngưỡng cửa hoàng hôn mà cứ gọi là ngày.
Có khi trước bóng đêm mà ta thản nhiên không phải ngày còn
dài mà chỉ vì không phân được khi nào đêm bắt đầu.
Ðường thiêng liêng của linh hồn hay những chuyện tình cũng
thế thôi. Họ không biết lúc nào vào bóng đêm, vì không biết tâm tình mình đang
đi về đâu. Hòang hôn mà ta cứ tưởng là ngày.
* * *
Ðợi người học trò thật yên tĩnh, nhà đạo sĩ nói với môn
sinh ông ta:
- Con ạ, thật sự không thể vẽ lằn mức được lúc nào ngày bắt
đầu, lúc nào đêm chấm dứt!
Người học trò như ngạc nhiên, chăm chú lắng nghe. Tôn sư ôn
tồn xác định lần nữa câu nói của ông bằng cách cắt nghĩa cho người học trò:
- Không thể phân biệt được biên giới giữa đêm và ngày cũng
như không phân biệt được bao nhiêu của cải là hạnh phúc, thiếu bao nhiêu là
chưa đủ!
Ngập ngừng đôi giây, vị đạo sĩ nói như lời tâm sự thân tình
với học trò mình:
- Thách đố bởi câu hỏi khi nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm
chấm dứt. Thầy mải mê đi tìm trong văn chương triết học, trong thần bí niệm tu,
cho đến một ngày biết mình không còn sống bao lâu mà vẫn không tìm được câu trả
lời. Lúc đó Thầy buồn khôn tả, biết mình nhỏ bé trước biển cả và mặt trời. Thầy
cúi đầu xin Thượng Ðế cho Thầy được chết bình an. Thầy xin Thượng Ðế cất đi câu
hỏi đã dằn vặt Thầy. Thầy không còn cách nào trả lời câu hỏi ấy. Trong văn
chương triết học, Thầy đã thất vọng, trong thần bí niệm tu, Thầy đã ráng sức cả
đời. Càng suy nghĩ càng thấy mình nhỏ bé, sau cùng, Thầy chỉ còn biết xin
Thượng Ðế thương xót, đừng hỏi nữa cho tâm hồn Thầy thảnh thơi.
Khi nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt?
Không trả lời được con ạ. Ðâu ngờ, chính lúc Thầy xin
Thượng Ðế cất câu hỏi ấy đi, Ngài lại trả lời cho Thầy. Một ánh sáng êm dịu vô
ngần nhẹ nhàng đậu xuống linh hồn Thầy, cho Thầy một trí hiểu đơn sơ, một niềm
vui kín đáo, một năng lực sống trọn vẹn vì một khám phá: Ðời quá đẹp.
Nói tới đó, nhà đạo sĩ như phiêu du vào một vùng trời rất
đỗi bình an. Người học trò chăm chú kỹ hơn, lắng nghe.
- Con ạ, Thượng Ðế nói trong linh hồn Thầy rằng, lúc nào
Thầy nhìn con, thấy bóng dáng Thượng Ðế trong con, lúc nào Thầy nhìn ai cũng
chỉ thấy là bạn hữu, đó là ngày! Lúc nào Thầy nhìn người tức giận, ghét bỏ,
tham lam, thù hận đấy là đêm!
Ánh sáng phân biệt đêm và ngày là lòng từ ái nhân hậu.
Ði giữa ban ngày trong trái tim trĩu nặng, vẫn là đêm, con
ạ. Ngày và đêm không thể phân biệt bằng ánh sáng vật lý, chỉ có lòng từ ái bao
dung.
Ông nhìn người học trò rất đỗi nhân ái mến yêu. Từ từ nhắm
mắt. Im lặng, linh thiêng và bình an, ông lặng lẽ xuôi hồn về thế giới bên kia.
Ông đã chết.
Ông về với ánh sáng, nơi chỉ có ngày, không còn đêm nữa.
Ông ra đi, để lại cho người học trò câu trả lời lúc nào là đêm, lúc nào ngày
bắt đầu.
* * *
Người học trò vĩnh viễn xa tôn sư. Vị đạo sĩ chết bình an
sau khi để lại cho người học trò ánh sáng mà ông đã kiếm tìm.
Ngày đó anh ta vui mừng vì được câu trả lời không phải vất
vả tìm kiếm cả một đời như tôn sư anh. Xa Thầy, người học trò cắp sách vào đời.
Chả bao lâu sau khi tôn sư chết, một chiều nọ nhìn mặt trời xuống biển, một
sáng kia thấy mặt trời mọc trên đầu núi, nhìn lại câu trả lời của Thầy, anh bất
giác nhận thấy đấy chỉ là tìm kiếm của riêng Thầy.
- Ðâu là câu trả lời của riêng ta?
Anh tự hỏi vậy. Nếu lòng nhân ái bao dung là ánh sáng phân
biệt đêm và ngày, ta có lòng nhân ái không? Câu chuyện hạnh phúc riêng linh hồn
ta, ngày đang bắt đầu hay đêm đang bắt đầu?
Nhìn ánh bình minh sắp lên, trên triền núi đá sương đêm
đang mờ mờ tan. Lúc nào ngày tâm linh bắt đầu, lúc nào đêm thiêng liêng chấm
dứt?
Nghĩ đến câu trả lời của tôn sư: "Ánh sáng phân biệt
đêm và ngày là lòng từ ái nhân hậu hay óan thù nhỏ nhen. Ði giữa ban ngày trong
trái tim trĩu nặng, vẫn là đêm, con ạ. Ngày và đêm không thể phân biệt bằng ánh
sáng vật lý, chỉ có lòng từ ái bao dung." Anh ta phân vân hỏi lòng:
- Ðó là câu trả lời của Thầy. Thầy đã đem một đời tìm câu
trả lời ấy. Còn câu chuyện hạnh phúc riêng linh hồn ta, ngày đang bắt đầu hay
đêm đang bắt đầu?
Anh tưởng rằng Thầy đã trả lời giùm. Không thể phân biệt
được lúc nào ngày bắt đầu, lúc nào đêm chấm dứt bằng ánh mặt trời, mà bằng bao
dung của con tim. Ngày ấy anh chợt vui vì câu trả lời không cần tìm kiếm. Nhưng
nỗi nhẹ nhàng của tấm lòng lịm tắt ngay. Thầy hiểu thế trong trái tim và cuộc
sống của Thầy. Còn chính ta, lòng ta có bao dung và ngày có bắt đầu? Câu trả
lời của Thầy chỉ là gợi ý cho trí hiểu, còn chính ta, đời ta là ngày bắt đầu
hay ngày đang chấm dứt? Ta phải tìm câu trả lời cho riêng ta.
Anh lại trăn trở, câu hỏi ấy không đơn giản, và biết mình
sẽ phải đem theo cả đời để trả lời câu hỏi ấy.
Vị đạo sĩ đã bỏ những ngày thách đố chính mình ngồi nhìn
hoàng hôn, bỏ những ngày dõi theo ánh bình minh. Ông quay về tìm ánh sáng trong
cõi lòng. Tìm được rồi, ông bình an bỏ luôn cõi đời bước vào ngày ngàn thu vĩnh
cửu. Nơi chỉ còn ánh sáng không còn đêm.
Rồi tôi cũng từ giã vùng biển Comorin. Trên chuyến xe đò về
hướng Bắc tôi sẽ bỏ lại biển cả và mặt trời. Tôi biết ngày mai, rồi tiếp tục
ngày mai nữa, thế kỷ nữa và nhiều thế kỷ nữa du khách sẽ kéo nhau ra mỏm đá này
nhìn mặt trời. Trong trái tim mỗi đời người, trong chuyện tình cuộc sống của
họ, ngày đang bắt đầu hay đêm đang bắt đầu?
Ngày mai tôi lên đường. Ðến lúc tôi phải bỏ lại biển cả và
mặt trời, bỏ lại ghềnh đá và dòng nước, giữ lại trong tâm tư thôi vì nếu không,
làm sao tiếp tục cuộc hành trình.
(Trích Những Trang Nhật Ký Của Một Linh Mục)
Ðạo Sĩ Sadhu
Trong kho tàng văn chương tu đức Ấn Giáo có chuyện kể như
sau: Ở một làng nọ, có vị đạo sĩ, Sadhu, tu thân lâu ngày, gần đạt đến bậc
thánh nhân. Dân chúng ngưỡng mộ, quý mến nhà đạo sĩ, đến thỉnh ý, tầm thầy học
đạo.
Một ngày kia, thấy vị đạo sĩ rách rưới, kẻ qua đường biếu
nhà đạo sĩ manh vải che mình. Những lúc Sadhu ngồi thiền niệm, bày chuột tưởng
tượng gỗ, rúc vào tấm vải gặm nhấm. Tội nghiệp, có kẻ qua đường thấy thế, biếu
Sadhu con mèo bắt chuột. Dân trong làng thương tình, thay nhau đem sữa nuôi con
mèo. Rồi ngày nọ, có kẻ hành hương từ phương xa, nghe tiếng thơm nhân đức, đến
viếng nhà đạo sĩ. Người đàn bà giàu có ấy tặng đạo sĩ Sadhu con bò để lấy sữa
nuôi con mèo. Ðể nuôi con bò, người ta làm cho nó cái chuồng. Từ dạo đó, con bò
có chuồng, vị đạo sĩ không có nhà. Thấy thế không ổn, dân trong làng làm cho
nhà đạo sĩ chiếc chòi lá.
Từ ngày ấy, nhà đạo sĩ không còn nhiều thời giờ tu niệm như
xưa, bận rộn nuôi con bò để lấy sữa nuôi con mèo. Nuôi con mèo để đuổi lũ
chuột. Phải lo sửa sang căn nhà. Dân trong làng không muốn nhà đạo sĩ mất thời
giờ săn sóc con bò, họ gởi một người đàn bà đến cắt cỏ nuôi con bò, săn sóc con
mèo thay cho nhà đạo sĩ có giờ thiền tu.
Nhà đạo sĩ đã có tấm vải che thân, có con mèo đuổi chuột,
có con bò cho sữa, có căn nhà để ở, có người đàn bà săn sóc cuộc đời mình.
Chẳng bao lâu, nhà đạo sĩ không còn thời gian tĩnh mịch nữa, ông đầy đủ hết
rồi.
Ðâu là con đường tu đạo? Ông lấy người đàn bà làm vợ, thế
là chấm dứt cuộc đời hạnh tu.
* * *
Tôi viết những dòng này chiều ngày mồng một tháng Giêng năm
2001, tức ngày đầu năm, thiên niên kỷ thứ ba. Tôi đến Ấn Ðộ lúc 11 giờ 30 đêm
ngày 29.12.2000. Bước xuống phi trường Bombay tôi thấy ngay cái nghèo của đất
nước này. Ở Bombay trọn ngày 30, hôm sau lấy xe lửa đi Poona, tiếng Anh viết là
Pune, một thành phố cách Bombay bốn tiếng theo đường xe lửa về hướng đông nam.
Tôi sẽ ở thành phố này hai tháng. Chiều nay, vậy là tôi đã ở Ấn Ðộ được ba
ngày.
Tôi dự tính sẽ ở Ấn nửa năm. Tôi viết những dòng này, chiều
nay, vì nỗi trống trải, một nỗi buồn nhớ nhà. Ðất Ấn quá xa lạ, viết để mong
tìm trong dòng chữ một chút lãng quên.
Từ phi trường Singapore, một trong những phi trường hiện
đại nhất thế giới, những gian hàng điện tử trưng bày sản phẩm mới nhất, văn
minh nhất thời đại, chỉ sau bốn tiếng rưỡi đồng hồ, tôi đến một thế giới quá
khác xa, bụi bặm, nghèo đói, dơ dáy. Cảm giác đầu tiên của tôi là muốn quay về
Mỹ. Tôi đã đi nhiều nơi, thích nghi với nhiều hoàn cảnh. Những ngày ở
Philippines, qua những khu nhà tồi tàn, chứng kiến đám dân nghèo sống bằng núi
rác của thành phố thải ra. Nhưng mới ba ngày ở đây, tôi biết nơi đây còn nhiều
cảnh nghèo hơn Việt Nam và Philippines.
Ra được khỏi phi trường, đã nửa đêm, tôi kéo chiếc va ly
nhỏ theo người đón, đi bộ một quãng dài, đón chiếc xe ba bánh, một loại như
Lambretta ở Việt Nam. Ðường phố bụi bặm, vỉa hè tồi tàn. Về đến nhà dòng, thất
vọng biết bao với chỗ ngủ đêm nay. Tôi đã từng ngủ trọ qua đêm tại nhiều nhà
dòng ở Việt Nam. Tôi chưa thấy phòng khách nào ở Việt Nam nghèo nàn như thế.
Một lần nữa, như tôi viết ở trên, tôi chỉ muốn quay về Mỹ.
Trong tôi lẫn lộn nhiều cảm xúc. Mệt mỏi của một hành trình
xa. Chán cái nghèo nơi đây. Nhớ nhà. Nhớ những tình cảm của người quen. Tôi đã
hành hương thăm căn phòng Cha sở họ Ars ở Pháp. Hôm nay, những căn phòng này
tồi tàn hơn. Trên đường bay từ Mỹ qua đây, tôi dừng lại Việt Nam mấy ngày. Ở
nơi ấy, tôi thấy Việt Nam nghèo, nhưng trong tôi lúc này nổi lên mơ hồ một cảm
xúc trăn trở. Trăn trở vì trong cái nghèo có gương mù, thưa kiện nhau về tiền
giữa những người được coi là mẫu mực trong Giáo Hội. Trăn trở vì giáo xứ nghèo
tiếp tục rách nát. Chỉ chờ xin ngoại quốc. Thiếu nâng đỡ nhau giữa các họ đạo
trong một địa phận, tội nghiệp cho những linh mục vất vả suốt đời ở đó. Xin
tiền không còn nói là mình kém, nó trở thành như mình có quyền nhân danh cái
nghèo. Cũng như hối lộ không còn là điều làm người ta ngại ngùng mà như một thủ
tục bình thường. Chứng kiến cái nghèo ở đây, tôi thấy tâm tình mình lẫn lộn
hoang mang. Cái nghèo cơ sở vật chất của Giáo Hội Việt Nam đang biến đổi, sẽ
hết nghèo. Nhưng đàng sau cái nghèo nhà cửa đang biến đổi kia, còn nét đẹp nghèo
trong tinh thần hay đang bị ám ảnh về tiền bạc.
Tối đầu tiên ở Bombay, rất nóng, chiếc quạt trần tróc sơn,
bụi cáu đen, kêu cành cạnh như muốn rơi xuống. Tường vôi loang lổ, vàng ố đen
đủi như những bức tường xây từ thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Trần nhà thấm nước
mốc rêu. Chiếc giường gỗ cũ kỹ. Tấm khăn trải giường, chắc chắn lâu lắm rồi.
Tôi sợ không sạch, cúi xuống ngửi, không có mùi hôi. Chỉ cũ thôi.
Hôm sau, 30 tháng 12, trọn một ngày chứng kiến những cảnh
chen chúc ở sân ga, khạc nhổ, dơ dáy, bụi bặm. Rời Bombay ngày 31 đi Poona,
chiều nay, ngày đầu năm vắng vẻ, nhớ về Mỹ với căn phòng sạch sẽ thật nhiều.
Nhớ những cú điện thoại tiện nghi. Nhớ tình bạn. Nhớ những khoảng trời tự do cá
nhân. Nhớ nhân phẩm và quyền làm người được tôn trọng. Một buổi chiều quá vắng
trong sân tu viện. Trong nỗi nhớ nhà, chán cái nghèo ở đây, tôi tìm vào thư
viện và đọc được câu chuyện nhà đạo sĩ Sadhu ở trên.
Câu truyện trên nằm trong cuốn sách nhỏ, cũ kỹ, bụi cũng
bám ở gáy sách. Nó nằm im lặng trong kệ tủ. Nó đâu biết chiều ngày đầu năm có
người khách lạ từ đâu tới mở trang sách đó. Truyện vô danh, không tác giả, chỉ
đề là "an Indian story".
Ðất này nghèo, sao lại
có những câu chuyện đề cao cái nghèo như thế? Có phải tác giả đề cao cái nghèo,
hay con người tu đạo ấy viết câu truyện trên như chính kinh nghiệm bản thân nói
tới tự do của đường vào tâm linh? Có phải họ lấy cái nghèo vật chất để nói cái
giàu tâm linh, lấy cái giàu của cải để cảnh tỉnh cái mất tự do tâm hồn?
Câu chuyện bắt đầu chỉ
là miếng vải che thân, rồi dần dần nhu cầu sinh ra nhu cầu, sau cùng nhà đạo sĩ
mất lý tưởng hạnh tu. Làm thế nào nhà đạo sĩ Sadhu bỏ cuộc, đánh mất hành trình
tu giới của mình? Của lễ, tặng vật kia êm ả quá đỗi. Nó như làn gió nhẹ mơ
màng, dật dờ như dòng nước không tiếng động. Thế mà đánh đổ nhà đạo sĩ. Sự đổi
mới ở đất nước tôi đang mang dáng dấp có nhà Sadhu nào sắp ngã không?
Của lễ dâng cúng không
là tội. Nhưng người đạo sĩ có thể bị hủ hóa không ngờ. Lòng bao dung của tín đồ
cũng phải khôn ngoan biết bao, chính họ có thể đưa con người hướng dẫn tôn giáo
của họ vào tà đạo bằng của lễ ngẫu tượng.
Người ta làm chủ của
cải, rồi một ngày bị của cải lấy mất tự do mà họ không ngờ. Ðể lòng mình làm
chủ hay bị của cải làm chủ vẫn luôn luôn là một giằng co khốn khổ. Nó vẫn là
con đường hạnh tu. Thật khó để mình chiếm hữu của cải chứ không để của cải
chiếm hữu mình. Nhu cầu này sinh ra nhu cầu khác. Ta không biết đâu là bến bờ.
Phương tiện nào đưa ta đạt đến mục đích, khó mà nhìn thấy.
Sống đơn giản đưa Shadu
vào đời sống tu hạnh. Mất đơn giản, ông mất lý tưởng. Trong Giáo Hội, tất cả
các đại thánh đều có đời sống đơn giản. Không phải trong Giáo Hội Công Giáo mà
thôi, tất cả thánh nhân trong tôn giáo khác cũng vậy.
Không ngờ Sadhu đánh mất
lý tưởng. Tội nghiệp ông. Tôi nghĩ, nhà đạo sĩ nào viết câu chuyện ấy, đã đạt
tới bậc tỉnh ngộ rất cao như lời dạy "hãy tỉnh thức và cầu nguyện."
Sau biến cố tháng tư năm 1975, hạn chế sinh hoạt tôn giáo đã đưa các tu sĩ phải
học chung với nhau. Nhờ vậy, biết nhau, làm việc chung với nhau, xóa bớt cạnh
tranh cục bộ. Bây giờ tấm áo che rách đang được khoác lên. Nhu cầu đang sinh
nhu cầu. Sự làm việc chung ấy sẽ tiếp tục hay dần dần lại trở về cạnh tranh cục
bộ với cơ sở và thế giới riêng tư. Gần mười năm trước tôi về thăm quê hương lần
đầu. Vị linh mục bảo miễn sao dạy được giáo lý. Ðiều cần là giữ đức tin. Nhà
thờ chỉ mong cái microphon để làm lễ. Lần này trở về, ngài hỏi ở Mỹ có cái
microphon không dây nào cỡ độ năm trăm đô la không.
Ðất Ấn vẫn nổi danh với
những huyền bí và những nhà đạo sĩ hạnh tu. Tôi không biết những ngày ở đây sẽ
tìm được hoa trái cho đời sống tâm linh không, chứ nói về thú vui, tôi có cảm
tưởng sẽ chẳng có gì vui. Ngày đầu năm, nhớ về đất Mỹ với "của cải"
của mình, nhớ về Việt Nam với những diễn biến mới đang xẩy ra, trong Giáo Hội
cũng như đất nước. Con đường hạnh tu của Giáo Hội đang đẹp, sẽ đẹp, hay biết
đâu miếng vải che thân của khách qua đường thương tình Giáo Hội và đất nước ấy
đang rét, choàng lên cho ấm, và rồi từ đấy hủ hóa, đánh mất vẻ đẹp của mình.
Ngày 5 tháng 1 năm 2001.
Tôi đã ở nhà dòng này
được gần một tuần. Vẫn chưa quen. Nơi tôi đang trọ học là một nhà dòng lớn, gần
hai trăm thầy với hai phân khoa triết và thần học. Tiêu chuẩn ăn của họ chỉ như
tiêu chuẩn Cao Ủy phát cho thuyền nhân trong trại tỵ nạn ngày xưa. Tôi không thể
ngờ mỗi ngày chưa đầy một đô la cho một thầy, trong đó tính luôn tiền gas, điện
nấu ăn, tiền lương trả đầu bếp, tiền chuyên chở, tiền dụng cụ nhà bếp, bát đĩa
(1US$ = 46.10 rúppi. Mỗi thầy 42 rúppi tiền ăn một ngày). Việt Nam nghèo, nhưng
mỗi năm Việt kiều gởi hàng tỷ đô la về giúp, nên nhà dòng ở Việt Nam không đến
nỗi nghèo như ở đây. Tôi chỉ nói một cách tương đối.
Dân nghèo bên bãi rác
lấy thùng giấy, bao nhựa trùm thành như những cái ống cống cắt đôi, sống bên lề
đường rất nhiều. Chung quanh nồng nên mùi khai xú uế, xác thú vật chết, bụi
đường, khói xe. Ði bộ qua những nơi đó, tôi có cảm tưởng sẽ mang bịnh vì bao
nhiêu thứ như vậy trôi vào phổi mình. Bây giờ tôi hiểu hơn, tại sao Mẹ Têrêsa
đã chọn Ấn Ðộ. Lớp dân nghèo ở đây, họ nghèo đến độ đi qua những khu như thế
tôi ngại không dám nhìn họ, vì làm sao dám nghĩ Thiên Chúa cũng hiện diện trong
họ.
Dường như các thầy trong nhà dòng này đa số đến từ thành
phần cũng bình thường. Quần áo họ mặc, giầy dép họ đi, tôi có để đánh giá phần
nào. Không hỏi ban giáo sư, nhưng sống giữa họ, nói chuyện với họ, quan sát đồ
dùng của họ, tôi biết đường hướng giáo dục ở đây đang chuẩn bị cho các linh mục
tương lai này biết sống đồng hành với dân nghèo của họ. Các cha giáo cũng vậy,
ăn chung cùng phần thức ăn, chung cùng bàn. Tôi chưa quen đồ ăn ở đây vì nhiều
cà ri quá. Bữa cơm chiều nọ, không hiểu vì sao có một rổ cơm và duy nhất một
món khoai tây nhão trộn vàng cà ri. Một cha già người ngoại quốc qua truyền
giáo từ thập niên năm mươi ngồi cùng bàn với tôi nói: There is not much to eat
today. Sự thường bao giờ cũng có hai món ăn. Nói về ăn uống, họ không thiếu,
cơm dư, nhưng đồ ăn chỉ đủ và không ngon miệng thôi. Thí dụ sau cơm bao giờ
cũng có chuối tráng miệng. Mấy hôm đầu tôi tưởng giống chuối bên đây nhỏ hơn ở
Việt Nam nhưng đi chợ mới biết chuối ở chợ lớn hơn, lành lạnh hơn chuối ăn
trong nhà dòng. Họ thật sự sống tinh thần nghèo. Ngay cả điện nước, các đồ dùng
khác cũng thế. Cái microphon trong nhà thờ này cũ rồi, tôi nghĩ chỉ vài chục đô
la thôi.
Cứ mười hai năm, Hindu, Ấn Giáo lại có một "năm
thánh". Năm 2001 này là "năm thánh" đó. Ước chừng bẩy mươi triệu
người sẽ về sông Ganga miền Bắc Ấn Ðộ để tắm gội tội lỗi trong sáu tuần. Ðêm
ngày những chuyến lửa đầy tràn người trên mui tiếp tục đổ về sông Hằng. Báo chí
ngày nào cũng đầy rẫy hình ảnh người ta chìm mình trong dòng sông, giơ tay cầu
nguyện. Tìm con đường thanh tẩy thôi mà họ tha thiết như thế sao.
Trở về câu chuyện im lặng trong trang sách bám bụi tôi viết
cách đây mấy ngày. Bài học đầu tiên tôi xin cám ơn đất Ấn đã có những người con
đi tìm con đường tỉnh ngộ như tác giả câu truyện đạo sĩ Sadhu trên đây.
Phải chăng nước dòng sông Hằng và những mảnh đời đi tìm con
đường thanh tẩy đã kết tinh thành những áng văn chương Sadhu. Hay nhờ những áng
văn chương tu đức đó nhắc nhở mà dòng sông Hằng vẫn luôn có người đi tìm con
đường thanh tẩy?
Nguyễn Tầm Thường
Lời Của Chiếc Dây Thừng
Tôi là chiếc dây thừng.
Tôi thắt cổ Giuđa. Tôi nghe rõ tiếng khò khè nơi cuống họng
nhân vật này.
Nhớ lại đi, ngày Ðức Kitô vào đền thờ Jêrusalem, tôi cũng
là chiếc dây thừng.
Ngài lấy giây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ. Tôi nghe
rõ những gì xảy ra ở đền thờ ngày hôm đó. Chuyện không đơn giản như nhiều người
nghĩ.
Mọi người cứ nghĩ như thế là xong, cứ nghĩ Ðức Kitô ra khỏi
đền thờ là xong. Ai là người buôn bán trong đền thờ? Còn ai nữa, nếu không được
phép của các thầy tư tế. Ai lọt được vào đền thờ, nếu không có thế lực bảo
chứng? Còn chỗ nào kiếm tiền tốt nhất trong những ngày đại lễ, nếu không là đền
thờ?
Tiền bạc là thế lực âm thầm mà cuồn cuộn như dòng sông. Tôi
là chiếc dây thừng trong ngày đó. Tôi nghe rõ những gì xảy ra:
- Nhóm tư tế ít thế lực ghen tức với nhóm thày cả có đông
tín đồ.
- Nhóm tư tế quyên tiền gây quỹ được ít, nói xấu nhóm đổi
tiền.
- Các tiền tiêu ngoài chợ phải đổi thành tiền riêng mới
được bỏ vào hòm thánh. Vì thế, nhóm đổi tiền cho công việc của mình mới là
chính đáng.
- Nhóm bán chiên cừu tố cáo nhóm đổi tiền là giả hình.
- Nhóm tư tế phục vụ bàn thánh bất mãn vì đền thánh chỉ là
đền thánh, gây chiến với nhóm chủ trương phải kinh tài.
- Nhóm nào cũng cho mình mới là đáng tin, họ cạnh tranh
nhau.
- Nhóm tín đồ từ vùng Galilê chủ trương vai trò ngôn sứ là
công bố Lời Thánh, tư tế phải trở về bục giảng. Tín đồ chống đối tư tế.
Giữa lúc xôi đậu như thế Ðức Kitô xuất hiện.
Ngài chẳng thuộc nhóm nào.
Vì không thuộc nhóm nào nên càng dễ chết.
* * *
Tôi là chiếc dây thừng.
Tôi nghe nhiều bí mật của cuộc đời. Tôi theo những người
nghèo không có tiền. Họ dắt con bê từ mấy mùa mưa nắng, cắt cỏ chăn nuôi. Họ
vất vả kiếm nước cho nó uống dọc đường dài. Nắng sa mạc hiếm cỏ. Những của lễ
như thế, quý lắm. Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ lắm về lòng chân thành.
Họ nuôi chúng cả năm trời.
Tôi cũng là chiếc dây thừng người ta vừa mua tôi về cột vào
con bê bệnh. Rất nhiều con vật bệnh hoạn, họ mua về tắm rửa, đem vào đền thờ
bán vội cho những người lười không muốn vất vả dắt chiên theo đường dài. Nhiều
kẻ hành hương mua lầm của lễ. Họ dâng hiến Giavê những chiên cừu bệnh hoạn.
Trong đền thờ ngày đó, đủ thứ của lễ, trong sạch có, què quặt có, lười biếng
có, thánh thiện có.
Tôi là chiếc dây thừng, tôi biết rõ về của lễ. Những ai múc
nước, đem cỏ, dắt của lễ theo thì biết rõ của lễ của mình trong sạch. Còn những
người đến đền thờ mới mua, ôi, nhiều của lễ quá bệnh hoạn. Làm thân dây thừng,
tôi khám phá nhiều chân lý về cuộc đời và của lễ. Tôi thấy rất nhiều của lễ
được bao bọc bằng lòng lười biếng. Những của lễ trong sạch bao giờ cũng phải
trả một giá về sự thanh tẩy, lòng cố gắng và nhiệt thành.
* * *
Không phải Ðức Kitô vào đền thờ đơn giản đâu. Ngài cũng
thấy quyết định này có thể đưa Ngài đến cái chết. Quả thật, sau này, cái chết
của Ngài đã chứng minh điều đó. Cái chiều nắng quái kinh hồn đó, lũ người này
có mặt trên đường Núi Sọ. Làm sao mà họ không reo mừng, nhớ lại cái ngày bị
đuổi khỏi đền thờ, mất chỗ làm ăn.
- Thưa Thầy, chuyện Thầy tính làm nguy hiểm quá.
Phêrô, người môn đệ thân cận lại can ngăn Thầy mình như mọi
khi.
- Thưa Thầy, con đã thăm dò tình hình. Có cả một ủy ban gây
quỹ. Bao nhiêu năm nay, truyền thống này như lời kinh rồi.
Những ngọn ô liu không gió, đứng im lặng, không thản nhiên
vô tư, nhưng chúng cũng không biết phải phản ứng thế nào. Thỉnh thoảng dăm ba chiếc
lá già lìa đời. Một chút xào xạc bước chân con chồn nhỏ chạy qua. Ðức Kitô nhìn
người môn đệ thân cận. Không trả lời. Trong tâm tư Ðức Kitô cũng biết, đó là sự
thật. Người môn đệ này thương mình. Ðã qua mấy đêm rồi, Thầy trò nói với nhau
về đền thờ.
Ðức Kitô hỏi người môn đệ:
- Bây giờ phải làm sao?
Người môn đệ ấy trả lời:
- Thưa Thầy, cứ kệ họ.
Ðức Kitô nói tiếp:
- Nhưng đây là đền thờ.
Người môn đệ đáp trả:
- Mình cứ lên đền thờ tế lễ theo luật là đủ rồi.
Ðức Kitô không nói gì thêm, nhìn bầu trời đêm không ánh
sao. Những tàng ôliu không gió phẳng lì như những tấm chiếu dán trên khung
trời. Phêrô tựa lưng, ngả đầu vào thân già của cây ôliu đã gẫy, cũng thinh
lặng.
Tôi là chiếc dây thừng trong ngày kinh hoàng đó. Lúc Ðức
Kitô cầm tôi quật xuống chiếc bàn của thầy tư tế đang đổi tiền, không ai ngờ,
họ hét lên. Toàn thể kinh hoàng. Họ không thể ngờ, có người điên mới dám hành
động như vậy. Nhưng điên làm sao được, họ biết rõ người này là ai.
Họ không tin sự việc có thể xảy ra. Nơi này, người ta đã
được phép buôn bán từ xa xưa rồi. Ai là người dám thay đổi cục diện. Nhưng �ức Kitô nói:
"Ðừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán." Khi
Người lật nhào bàn ghế, đổ tung hòm tiền thì người ta biết đây không phải
chuyện nói cho qua.
Các kẻ thuê đất, các hội trưởng nhốn nháo chạy báo tin cho
các thầy thượng phẩm. Không phải họ xách bàn chạy dễ dàng đâu. Tôi là chiếc dây
thừng. Tôi bị bọn họ chặt tôi đứt nhiều khúc. Thân tôi bị giật xé cũng đau đớn
tan tác.
- Giết nó đi. Ðóng đinh nó đi.
Tiếng kèn báo động như tù và rú trên tháp canh. Ðám đông
xúm lại hét to:
- Ai cho ông có quyền làm như thế?
Họ không dám đến gần Ðức Kitô. Tôi là chiếc dây thừng trong
tay Ngài. Họ nhìn tôi chằm chằm.
* * *
Làm thân dây thừng, tôi ở trong tay Chúa, cũng như thắt cổ
Giuđa. Tôi dắt những con chiên trong sạch từ vườn nhà, vượt qua đồi, qua suối
lên đền thờ. Tôi cũng bị người ta mua vội thắt vào cổ con bê bệnh hoạn bán cho
nhau làm của lễ. Họ lấy của lễ lừa dối nhau, họ lầm lẫn về của dâng cúng. Tôi
nghe những tay lưu manh đứng rình mò trong đền thờ. Tôi nghe bày thú tranh nhau
ăn, cắn nhau đổ máu dính lên người tôi. Chúng là tiếng sủa thương đau của nhiều
loài thú khác nhau. Những vết máu dính lên người tôi cũng chẳng khác gì những
vết thương mà con người mang trong hồn do chính họ tạo nên bởi đam mê tội lụy.
Nơi nào có súc vật mà không có mùi hôi. Vậy mà tôi thấy những con buôn ngồi
thản nhiên hít thở hàng ngày. Tôi thấy không biết bao nhiêu ý nghĩ về con đường
lên đền thờ.
Khi thầy tư tế bán của lễ thì thiên thần đứng khóc.
Khi tín đồ mua của lễ thì quỷ dữ đứng cười.
Khi linh hồn không được thanh tẩy thì của lễ là lười biếng.
Khi của lễ thành buôn bán thì tình nghĩa anh em, bạn hữu
chỉ là tính toán.
Khi tâm hồn không siêu thoát thì của lễ thành cạnh tranh.
Khi của lễ là đơn vị kinh tế thì lòng thật thà thành rình
mò.
Khi lười biếng che đậy thì của lễ thành trình diễn.
Làm thân dây thừng tôi mới hiểu hơn về con đường tu đức
thiêng liêng. Tôi chỉ kể chuyện đời tôi hai nghìn năm trước. Hai nghìn năm
trước, kể chuyện đời mình cho hai nghìn năm sau. Thời gian nào cũng có những
của lễ, có những chiếc dây thừng.
Chuyện đời tôi hai nghìn năm trước đã qua. Tháng ngày còn
lại, tâm sự tôi đang dang dở. Hôm nay, tôi cũng vẫn là chiếc dây thừng. Nhưng
Ðức Kitô không có mặt ở đây, nên tôi không rõ có gì đang xảy ra ở đền thờ
không.
Tấm Hình Của Mẹ
- Con ạ! Anh em chúng con chỉ có mấy đứa. Ðất khách quê
người, con để ít giờ cuối tuần mà thăm nhau. Con đừng đi làm ngày Chúa Nhật
nữa.
Lời khuyên không làm đứa con gái xuôi lòng.
Sống xa cộng đoàn người Việt, mãi vùng xứ lạnh Bắc Âu. Tâm
tư bà thường nhớ về quê cũ. Mảnh vườn xưa. Dăm ba tầu chuối trưa hè. Nhưng con
bà đã gần như người Âu. Ðối với bà, tiếng chuông nhà thờ còn là nỗi nhớ người,
nhớ cảnh. Nhưng những đứa con lớn lên ở đây, chúng không có kỷ niệm những tối
trăng sao vằng vặc, tiếng ếch kêu trong đêm mưa. Bởi đó, những lời khuyên như
trên của bà chỉ là ước mơ hững hờ.
Ngày bà chết. Người con gái năm xưa để tấm hình bà trên tủ
thờ tổ tiên. Người con gái năm xưa ấy bây giờ đã có một lũ con. Chúng lớn mau
không ngờ. Nếu bà còn sống, nay chúng là lũ cháu của bà. Giống như bài luận văn
ngày cũ: Cứ tối tối ngoại quây quần kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe. Người con
gái năm xưa ấy kể:
- Mỗi lần nhìn tấm hình của mẹ. Lòng tôi se sắt một tiếng
thương và một nỗi nhớ.
Ðã bao năm về trước, bà đã một lần nói với đứa con gái lớn:
"Con ạ! Anh em chúng con chỉ có mấy đứa. Ðất khách quê người, con để ít
giờ cuối tuần mà thăm nhau. Con đừng đi làm ngày Chúa Nhật nữa". Ðứa con
gái không nghe lời.
Lời khuyên có vẻ dễ dàng, nhưng đời có những chuyện chưa
kịp nghĩ tới. Lời bà khuyên con gái, không ngờ một ngày kia trở về với chính
bà.
Câu chuyện là bà có cửa tiệm bán quần áo, chung với một
người đồng hương. Sau những ngày làm ăn, nghi ngờ nhau. Bà đánh dấu mực vào cổ
áo. Hôm sau người partner đến bán đi, không muốn chia lời, người này lấy áo mới
thay vào. Giả bộ cứ như là đến phiên mình bán, không bán được bao nhiêu.
Hai bên đưa nhau ra tòa, hết tình hết nghĩa, cửa tiệm bán
quần áo không còn.
Bà kiếm một việc mới: Bán chợ phiên ngày Chúa Nhật. Thế là
lời khuyên con gái năm xưa trở thành lời khuyên chính mình. Chỉ cần một buổi
chợ phiên Chúa Nhật, bà kiếm mấy trăm đô la. Câu chuyện "bình an" cho
đến một ngày. Người con gái năm xưa, có chuyện giữa mẹ con, nói với bà:
- Ngày xưa mẹ bảo con đừng đi làm ngày Chúa Nhật, bây giờ
thì...
Người con gái không nói hết câu. Nhưng ý phải hiểu:
"Bây giờ thấy tiền thì mẹ cũng làm ngày Chúa Nhật như con thôi".
Ði làm ngày Chúa Nhật có tội hay không?
Ðôi lúc bà cũng phân vân. Nhưng nỗi trăn trở nhất trong tâm
hồn bà là tấm ảnh người mẹ sau khi chết. Bà biết nếu ngày nào bà chết trước
người con gái. Con bà sẽ để hình bà trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh chồng bà.
Mỗi lần đến thăm nhà đứa con gái, bà âm thầm nhìn lên tấm ảnh đen trắng, chồng
bà. Tấm ảnh đứa con đã để trên bàn thờ tổ tiên. Ảnh bố nó. Bà lại như thở nhẹ
một nghĩ ngợi, chắc nó cũng để hình bà ở góc kia, trên điện thờ ngày bà chết.
Bà kín đáo nhìn tấm ảnh vô hình của bà. Bà hình dung ánh mắt bà trong tấm ảnh
đang nhìn xuống.
Vào một đêm không ngờ. Ðêm đen của đất trời, nhưng sáng
trong linh hồn. Trong đêm đó, thinh lặng, các con yên ngủ, trước tượng Chúa.
Người mẹ đau khổ lâm râm cầu nguyện:
- Lạy Chúa,
Xin giúp con, con đã một lần khuyên con gái đừng đi làm
ngày Chúa Nhật, dành thời gian cho anh em, cho chồng, cho các con. Nhưng nay
thì con lại đi làm. Ngày con chết đi, mỗi khi nhìn ảnh con trên điện thờ, chắc
con của con sẽ đau khổ vì có người mẹ như thế, chỉ biết khuyên con mà không dám
sống lời mình khuyên. Nhìn ảnh con chắc nó cũng thương một người mẹ. Nhưng chắc
nó cũng đau vì có người mẹ như thế. Con muốn ngày nào con chết đi, nhìn ảnh con
trên bàn thờ vào những ngày giỗ kỵ, nó dám nói với các con của nó là: Các con
nhìn cuộc đời ngoại của các con, ngày còn sống, ngoại chúng con dám sống cuộc
đời can đảm như thế.
Lạy Chúa, cuộc đời con còn được bao lâu. Con muốn để lại
tấm ảnh thờ không phải chỉ cho đứa con gái mà còn cho các cháu của con nữa.
Ðêm đó tĩnh mịch. Căn phòng ngủ im như tờ. Se sẽ tiếng thở
của lòng người mẹ thương con, thương cháu. Bà im lặng khấn vái trước tượng
Chúa, cầu nguyện cho tương lai con cháu. Một đêm rất đỗi không ngờ. Im lặng
trong lòng bà thôi, mà lời kinh thấu đến trời cao.
Rồi một ngày, bà bỏ chợ phiên. Bà bỏ những sáng Chúa Nhật
đi buôn.
Người con gái bà sau này kể tiếp.
- Một hôm tôi hỏi mẹ. Tại sao mẹ không đi làm ngày Chúa
Nhật nữa? Mỗi buổi chợ phiên mẹ kiếm mấy trăm đô la cơ mà! Mẹ tôi không trả
lời. Tôi tiếc là bà bỏ mất mấy trăm đô la.
Hôm nay mẹ tôi không còn. Chỉ còn tấm hình bà trên bàn thờ
tổ tiên.
Một tối thinh lặng. Các con tôi đã ngủ. Một mình ngồi nhìn
ảnh mẹ. Bây giờ làm mẹ mới hiểu những đoạn đời mà một người mẹ đi qua. Người ta
bảo có qua cầu mới hay. Nhìn các con tôi ngủ, chúng đang lớn dần. Lo cho con,
bấy giờ mới thấm thía những ngày mẹ tôi lo cho tôi. Ảnh mẹ trên bàn thờ tổ
tiên. Hương khói không có. Trong căn nhà tôi ra vào hàng ngày. Ảnh mẹ tôi âm
thầm treo đó. Im lặng. Nhưng đêm nay. Nhớ về kỷ niệm năm xưa. Tôi nhìn mẹ lại
hỏi: "Tại sao mẹ không đi làm ngày Chúa Nhật nữa? Mỗi buổi chợ phiên mẹ
kiếm mấy trăm đô la cơ mà!"
Và hôm nay, lạ thật, trong ánh mắt chịu đựng của mẹ. Mẹ tôi
trong tấm hình kia âm thầm trả lời.
- Mẹ biết có ngày con đặt ảnh mẹ trên bàn thờ cạnh hình ba
con. Con sẽ đau khổ khi đến ngày giỗ mẹ. Con nhìn ảnh thấy mẹ rồi nói:
"Ngày xưa bà này bảo tôi đừng đi làm ngày Chúa Nhật, thấy tiền thì bà cũng
như tôi". Con thương mẹ, nhưng nghĩ đến lời khuyên và lối sống của mẹ như
thế. Con sẽ khổ đau, không vui.
Bỗng quá lạ. Tôi thấy tấm ảnh mẹ tôi như sáng lên. Âm thầm
mà mạnh mẽ vô cùng. Các con tôi vẫn ngủ. Chúng không biết hôm nay ngày giỗ
ngoại chúng. Tôi một mình ngồi trước ảnh mẹ. Ảnh mẹ lại như nói với tôi:
- Mẹ biết có ngày con đặt ảnh mẹ trên bàn thờ cạnh hình ba
con. Ðến ngày giỗ kỵ. Nếu con có thắp nén hương cho mẹ, con sẽ vui vì mẹ đã dám
sống những gì mẹ khuyên con. Biết đâu con cái của con khó dạy, con có thể nói
với chúng rằng: Nhìn ảnh ngoại chúng con đây. Ngày còn sống, ngoại đã dám sống
một đời can đảm như thế.
Tôi chợt ứa nước mắt. Hình ảnh năm xưa hiện về. Mẹ tôi đã
can đảm bỏ làm ngày Chúa Nhật chỉ vì lời khuyên cho tôi. Nghĩ tới đó, tôi òa
khóc hơn nữa. Mẹ tôi không chỉ muốn giáo dục tôi mà cả với các con của tôi.
Các con tôi vẫn ngủ. Chúng không biết tối nay, ngày giỗ
ngoại chúng. Mẹ tôi đã có tấm ảnh để lại cho tôi. Mẹ tôi đã đi con đường của
riêng mẹ. Còn tôi, khi chết, tôi có bức hình nào để lại cho các con tôi không.
Nhặt Cá
Trong mẻ lưới cuộc đời, tôi bắt được nhiều thứ cá. Tôi
buông lưới kéo lên. Rác rưởi, cá, đất sỏi, vỏ dừa. Người ngư phủ nào cũng cần
ngồi nhặt cá. Ðời tôi quá bận rộn, tôi không có giờ. Tôi cần gấp gáp thả lưới.
Tôi chỉ muốn kéo lên. Ðổ cá đó, xuống chợ đời tiếp tục thả. Vì đời quá nhiều
người thả lưới. Tôi sợ sẽ đi về đâu cuối ngày khi chung quanh tôi có kẻ thả
lưới suốt đêm.
Tôi phải hối hả. Tôi cần gấp gáp. Tôi không có giờ ngồi bên
bờ nhặt cá. Tôi để đó, lẫn lộn những gì kéo lên từ cuộc đời.
"Con thương, má phải về trễ đêm nay. Thức ăn má để trong tủ.
Con hấp nóng rồi mấy chị em ăn trước nhé."
Tôi vẫn thường để lại
những lời yêu thương như thế. Rồi con tôi lớn dần. Chúng lớn không ngờ. Những
đêm về trễ, tôi nhìn con ngủ. Cúi xuống hôn con. Mẹ ước ao có giờ cho con,
nhưng mẹ quá bận rộn. Lòng tôi chùng xuống một chút se sắt. Con ngủ, con không biết
mẹ mình sau một ngày thả lưới quá mệt, đang hôn con trong khoảnh thời gian, mà
đối với con chẳng ý nghĩa gì, vì con đang ngủ. Tôi gắn tên cửa tủ lạnh, tôi gài
trên tay cầm phôn những lời căn dặn yêu thương. "Con thương, má phải về
trễ đêm nay. Thức ăn má để trong tủ. Con hấp nóng rồi mấy chị em ăn trước
nhé."
Rồi con tôi cứ lớn lên,
không ngờ.
*
* *
Chồng tôi cũng thế. Anh
phải thả lưới cuộc đời. Như tâm sự của anh viết trong ánh mắt, một lần tôi đọc.
Tôi thấy trong ánh mắt anh, như nói trong tâm trạng băn khoăn. Cũng chùng xuống
một chút se sắt như tôi đối với con.
Em yêu dấu. Ngày sinh
nhật em. Em yêu dấu. Ngày chúng ta thành hôn. Em yêu dấu. Ðáng nhẽ anh phải đưa
em đi nghỉ hè, đáng nhẽ... Nhưng anh quá bận. Cuối tuần này vắng anh nhé. Công
việc quá nhiều. Một project đang dang dở. Em yêu dấu.
Ai cũng bận rộn, hối hả
thả lưới cuộc đời. Tôi chỉ hơi buồn mỗi khi vắng anh như thế. Có buồn, nhưng
tôi im lặng chịu đựng vì tôi cũng bận rộn như anh. Cuộc đời là những rượt bắt
không ngừng. Chung quanh tôi là những bàn chân hối hả.
*
* *
"Con của ba! Ba
tặng con món quà ngày sinh nhật."
Ðã có lần chúng tôi nói
với nhau. Mình chẳng có thời giờ cho con. Thôi thì bù trừ cho chúng, chúng muốn
gì em cứ mua. Chúng tôi mua quà cho con như một yêu thương đền bù. Chúng tôi
lấy đồ chơi thay cho nụ hôn ôm con, lúc chúng còn bé. Chúng tôi lấy tiền bạc,
quà tặng thay cho những bữa cơm chiều vắng bố, vắng mẹ, khi chúng đã lớn. Chúng
tôi cũng đối xử với nhau như thế. Anh vội vã tạt vào shop mua cho tôi chiếc ví
da, thay vì những phút phải đi bên nhau tâm sự. Thời gian cứ trôi xuôi lạnh
lùng. Tôi cứ thả lưới và nặng nề kéo lên.
Người ngư phủ ngồi nhặt
cá tốt cho vào giỏ. Sau mỗi mẻ lưới kéo lên, ông ngồi kiên nhẫn, chậm rãi vứt
cá xấu đi.
Tôi không giống người
ngư phủ. Tôi có nghe mùi tanh của một loài cá ươn. Tôi biết có rác, có đỉa, có
củi mục trong mẻ cá vừa kéo. Nhưng tôi không có giờ.
*
* *
Năm tháng qua đi không
ngờ. Con tôi bây giờ cũng như bày cá đến tuổi lớn. Chúng dần dần bỏ bến ao, tìm
đường ra sông cái. Vào đại học rồi đi xa. �ôi khi tôi thẫn thờ lần về quá khứ. Những tấm ảnh con tôi lúc lên năm,
lên ba. Chỉ nhớ và thương.
Rồi một ngày chồng tôi
cũng như tôi, không biết những tấm hình năm xưa chụp chung bây giờ ở đâu. Trong
mẻ lưới cuộc đời, anh cũng chẳng có giờ ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá
xấu quăng đi. Ðến một ngày tôi linh cảm bơ vơ một nỗi lo âu, mệt mỏi và chán
nản. Ðó là ngày tôi vô tình nghe mẩu đối thoại:
- I love you.
- I love you too.
Chồng tôi bảo em không
nên lo. Không phải chuyện tình cảm. Chỉ là công việc làm ăn của anh. Anh tiếp
tục thả lưới và cứ hì hục kéo lên. Tất cả, cá tốt lẫn cá xấu. Tôi không biết rõ
mình. Nhưng trong tôi dường như thấy một chút hoang vu nào đó đi về. Nỗi hoang
vu khó định nghĩa. Về phía mẻ lưới của tôi, lần cuối tôi nói với người đàn ông
không phải chồng tôi:
- Anh gởi cho em về hộp
thư này.
Tôi không muốn chuyện gì
xảy ra cho gia đình. Tôi muốn gìn giữ hạnh phúc. Không muốn chồng tôi hiểu lầm.
Tôi có hộp thư riêng, một P.O. Box. Tất cả chỉ là công việc làm ăn. Những gì
tôi lý luận cũng giống chồng tôi. Và tôi tiếp tục thả lưới. Tiếp tục kéo lên
tất cả. Chúng tôi giống nhau là không ai có giờ ngồi bên bờ nhặt cá xấu vứt đi.
Mơ hồ lãng đãng, tôi không phân biệt được cá nào lành. Tôi yêu mầu sắc của
những con cá độc. Tôi không hiểu tình yêu hôn nhân chúng tôi có tiếng thở dài
từ bao giờ. Chỉ biết hôm nay, tiếng thở dài quá mệt mỏi.
*
* *
Thời gian cứ trôi, rồi
đến một ngày. Những con cá ươn sình lên mùi hôi. Rác chung với cá. Mảnh chai,
vỏ dừa. Những con đỉa và những càng cua gẫy nát. Tốt và xấu lẫn lộn. Những con
cá lành bị nhiễm độc.
Khi chiều tàn mệt mỏi.
Lúc hoàng hôn rủ nắng xuôi mùa. Những cơn mưa lộp độp kéo về, cũng là lúc chúng
tôi mất nhau.
Chồng tôi ra đi với
người ấy.
Tôi quay về tấm lưới
cuộc đời xuôi theo loài cá khác.
Nhìn lại những bến bờ.
Lời Kinh Thánh như một nốt nhạc than trầm:
"Nước Trời giống
như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người
ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.
Ðến ngày tận thế cũng xảy ra như vậy. Các thiên thần cũng sẽ xuất hiện, và tách
biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở
đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt. 13: 47-50).
Hạnh phúc không chỉ giống như chiếc lưới thả xuống biển rồi
kéo lên tất cả. Hạnh phúc hệ tại ngồi bên bờ, nhặt cá xấu vứt đi. Tôi để con
tôi vào đời giống tôi. Chúng đã lớn lên, học nơi tôi những mẻ lưới hối hả. Tôi
đã từng dạy chúng phải nhanh chân kẻo thua trễ người ta. Tôi không chỉ cho
chúng ngồi bên bờ, sau mỗi mẻ lưới, nhìn kỹ, nhặt cá xấu vất đi.
Chúng đang thả lưới. Ðời đang hối hả. Con tôi có sẽ tự ngồi
bên bờ lựa cá tốt cho vào giỏ, cá xấu thì vất đi? Hay chúng cũng sẽ như tôi,
hối hả kéo lưới, tiếp tục gắn trên cửa tủ lời nhắn với các con của chúng:
"Con ơi, má thương con thật nhiều. Má phải về trễ đêm nay."
Người ta bận rộn thả lưới
Chẳng mấy ai có giờ ngồi bên bờ xem mẻ lưới đời mình.
Biết đâu ngày nào, người chồng của con gái tôi cũng có
những lời tương tự với nó: Em yêu dấu. Ngày sinh nhật em. Em yêu dấu. Ngày
chúng ta thành hôn. Em yêu dấu. Ðáng nhẽ anh phải đưa em đi nghỉ hè, đáng
nhẽ... Nhưng anh quá bận. Cuối tuần này vắng anh nhé. Công việc quá nhiều. Một
project anh đang dang dở.
* * *
Bạn thân mến,
Ðoản khúc trên đây thật buồn. Nhưng dường như đang xảy ra.
Bạn cứ ngồi bên bờ, với Chúa trong những ngày tĩnh tâm, bạn sẽ thấy những gì
bạn đang không thấy. Và rồi, biết đâu bạn lại chẳng hạnh phúc nuối tiếc vì đã
không sớm ngồi bên bờ cuộc đời nhặt cá.
Tạ Ơn Là Một Tâm Tình
Mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, Thanksgiving, người ta hay nhắc đến
chuyện người phung cùi trở lại cám ơn Ðức Kitô trong Phúc Âm Luca.
Trên đường lên Jêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua biên giới
giữa hai miền Samaria và Galilêa. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người
phung cùi đón gặp Người. Họ dừng lại đàng xa, và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy
Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi." Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ:
"Hãy đi trình diện với các tư tế." Ðang khi đi thì họ được sạch. Một
người trong bọn họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại lớn tiếng tôn vinh
Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người
Samari. Ðức Giêsu mới nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao?
Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà
chỉ có người ngoại bang này?" (Lc. 17: 11-19).
Tôi nghĩ câu chuyện tạ ơn của người phung cùi không dừng
lại ở đây. Không dừng lại ở lời tạ ơn Chúa mà thôi. Nó gọi ta đến một đường
cong sâu hơn và xa xôi hơn. Tạ ơn là tâm tình đòi hỏi một tấm lòng. Tâm tình
này là bản phiên dịch của một nội tâm. Chính bản phiên dịch nội tâm này nói
trung thực cho ta biết mình là ai.
Tôi muốn nhìn vào nội tâm người phung cùi, để đi tìm chiều
kích lời tạ ơn của anh ta với Ðức Kitô. Nó đến từ một đường cong sâu xa nào?
Bối cảnh văn hóa, tôn giáo, lịch sử.
Người Do Thái trong thời Chúa Giêsu không chấp nhận những
người phung cùi sống trong làng. Họ phải sống cô lập ngoài sa mạc, xa xôi ngoài
cánh đồng. Khi gặp Ðức Giêsu, họ cũng đứng "từ đàng xa" chứ không dám
lại gần. Họ bị coi là những kẻ tội lỗi, bị Thiên Chúa giáng án phạt. Hiểu như
thế mới thấy nỗi cô đơn của kẻ mang bệnh tật này. Trong thời đại ấy, người Do
Thái cũng không chấp nhận chung sống với người ngoại giáo. Họ đối nghịch đến độ
thù hận nhau.
Cộng đoàn những người cùi.
Theo mạch văn của đoạn Kinh Thánh, Chúa hỏi: "Còn chín
người kia đâu." Như vậy chín người kia cộng với anh cùi đến tạ ơn Chúa,
tất cả mười người. Tại sao có mặt người cùi ngoại giáo trong cộng đoàn những
người cùi Do Thái? Tại sao những người cùi Do Thái lại để người cùi xứ Samaria
theo mình nhập bọn? Ðoạn Kinh Thánh trên tường thuật là "một người trong
bọn họ." Cụm từ "một người trong bọn họ." Cho thấy chín người Do
Thái Giáo và một người Samaria đã sống chung, đi chung một con đường, là một
cộng đoàn.
Chuyện này dường như cũng không xa lạ giữa hoàn cảnh xã hội
hôm nay. Trong những hành trình gian khổ, dường như người ta vượt qua mọi biên
giới để sống với nhau. Có những tình nghĩa vợ chồng, khi nghèo khó, họ sống đời
đùm bọc nhau. Cùng nhau đẩy chiếc xe đạp chở ngô khoai. Cùng nhau chèo một con
đò, buôn thúng bán bưng nuôi con. Rồi có thể họ mất nhau khi mỗi người có một
địa vị, một công ty riêng. Lúc lâm nạn, người ta vượt qua biên giới chủng tộc,
tôn giáo, để cứu nhau. Rồi người ta xây nên những thành trì, những bức tường
tôn giáo khi người ta có đền thờ riêng.
Tại sao trong cộng đoàn mười người cùi này lại có một người
ngoại giáo. Tại sao họ chung sống với nhau?
Khổ đau dường như có một giá trị rất sâu trong câu chuyện
này. Rất nhiều trường hợp, khi hết yếu đuối, hết nghèo khó, họ xa nhau. Trên
đường đi tạ ơn này, chín người kia đi về một phía, người Samaria đi về một
phía. Không còn một cộng đoàn những người cùi khác tôn giáo.
Với chín người cùi, họ có thể liên kết lại để cô lập người
cùi Samaria. Nhưng ở đây, họ chung sống, chấp nhận người cùi khác tôn giáo này.
Dường như trong cô đơn tận cùng vì bị xã hội chối bỏ, họ được đốt cháy hết
những địa vị, tên gọi, và khi được bóc trần đến phẩm giá sau cùng, họ thấy họ
giống nhau ở một tên gọi duy nhất là làm người.
Giá trị cùng đích sau hết vẫn là: Làm người.
Dường như tôn giáo cũng rất cần luôn luôn được thanh tẩy để
khỏi bám bụi. Những giá trị ngoài nhân đức như đền thờ, tổ chức, ảnh hưởng, rất
có thể đưa con người xa cách nhau.
Mọi tôn giáo đều tìm cách dạy con người ý nghĩa của cô đơn,
đau khổ. Nhưng ý nghĩa đẹp nhất của đau khổ và cô đơn lại là vượt qua mọi tôn
giáo để đùm bọc nhau cho con người bớt cô đơn và đỡ khổ đau.
Rồi tình yêu cũng thế. Tình yêu cũng cần thanh tẩy. Những
giá trị ngoài nhân đức như nhan sắc, địa vị, vàng bạc, rất có thể sẽ đưa con
người xa cách nhau. Trong đời sống, ai cũng cần chịu ơn nhau.
Phải nghèo một chút để biết xin.
Phải yếu một chút để biết nương tựa.
Nhìn lại, người cùi xứ Samaria, trong "bọn họ",
anh ta là thiểu số, anh chỉ có một thân, một mình.
Tôi nghĩ anh ta trở lại tạ ơn Thiên Chúa vì đời anh quen
tâm tình tạ ơn rồi. Ngay những ngày sống chung với chín người kia, biết mình
thiểu số mà được chấp nhận, anh ta đã sống lòng biết ơn đó. Tạ ơn là một bản
phiên dịch nội tâm của anh.
Câu chuyện cộng đoàn mười người cùi được chữa lành rất đẹp
vì họ đã sống với nhau. Nếu sau khi được chữa lành, tất cả đều trở lại tạ ơn
Thiên Chúa thì câu chuyện kết thúc quá lý tưởng. Tại sao chín người kia không
trở lại?
Rất có thể chín người kia không quen tâm tình tạ ơn. Rất có
thể họ chấp nhận người cùi Samaria như là cho ơn hơn là lãnh nhận.
*
* *
Tôi thụ phong linh mục
năm 1989. Cũng năm này tôi được gởi qua trại Palawan, Philippines giúp đồng bào
tỵ nạn. Những ngày đó, chúng tôi đã có những kỷ niệm đẹp, tôi đã viết bài
"Palawan Mùa Phật Ðản", năm 1992, đăng trong báo Ðường Sống.
Năm 1995 tôi rời trại tỵ
nạn. Tôi xa khúc đường trong trại, một bên có hương trầm nhà Chùa, một bên có
tiếng chuông nhà Chúa. Rồi một hôm, mười năm sau, kỷ niệm lại về như nghe tiếng
mõ tụng kinh quen thuộc ngày nào đó, bên Chùa. Ðó là vào ngày 28 tháng 12 năm
2004. Sau lễ Giáng Sinh, tôi đang giúp tĩnh tâm cho cộng đoàn các Sơ Ðaminh
Việt Nam ở Houston. Tôi nhận được một lời nhắn trong chiếc phôn cầm tay:
Dạ, kính linh mục Nguyễn
Trọng Tước.
Ðây tôi là Thích Thông
Ðạt từ San Jose gọi chúc mừng trong mùa Giáng Sinh với New Year. Chúc mừng linh
mục dồi dào sức khỏe. Happy Merry Christmas. Happy New Year. Dạ, kính linh mục.
Khi nhận được message xin cho gặp số phôn 408-926-1998. Kính chúc mừng linh mục
trong mùa Chúa Giáng Sinh cũng như đầu năm mới.
Kính linh mục.
Tôi hết sức ngạc nhiên.
Một Thầy bên Chùa đã mười năm xa cách. Từ ngày Thầy rời trại tỵ nạn Palawan,
bằng ấy năm không hề gặp lại nhau. Mười năm không liên lạc. Bỗng dưng Thầy tìm
phôn gọi tôi, vì Thầy muốn chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Những kỷ niệm xa xưa.
Kính Thầy Thông Ðạt,
Những ngày ở trại tỵ nan, những ngày ấy chúng ta có nhiều
kỷ niệm quá nhỉ. Vào mùa Phật Ðản và Giáng Sinh, năm nào chúng ta cũng có những
món nợ. Chúng ta cho nhau mượn cái trống, mấy sợi giây đèn. Các em Thiếu Nhi
cho nhau mượn mấy mét vải, cái đầu lân để làm văn nghệ. Chúng ta đã nợ nhau
tình thương mến.
Thời gian đã xa xôi quá, như đang xóa nhòa dần đi. Bỗng
dưng mười năm sau, Thầy tìm điện thoại, gọi chúc mừng ngày Chúa Giáng Sinh.
Mười năm là thời gian dài lắm đó Thầy ạ. Thế là tôi lại "nợ" Thầy.
Thánh Phaolô đã căn dặn các tín hữu của ngài: "Các con
hãy nợ nhau tình thương mến" (Rom. 13: 8). Bây giờ chúng ta đã xa những
ngày tỵ nạn cho nhau mượn cái bát, tô cơm. Thầy Thông Ðạt có thể nay đã có chùa
riêng, có đoàn Phật Tử đông đảo. Chả ai phải mượn ai. Chùa của Thầy chăng rợp
hoa đèn ngày lễ. Chả ai cần ai. Thầy gọi điện không là để mượn gì cả, cũng
chẳng hỏi tôi có mượn cái đầu múa lân không, chỉ để chúc mừng ngày Chúa Giáng
Sinh. Thầy gọi điện vì nhớ về khung trời tỵ nạn có những kỷ niệm bên bờ đời
sống. Tình thương mến.
Có những cặp vợ chồng nay mỗi người là một giám đốc. Chẳng
ai phải nhờ ai. Có những anh em, không ai phải cậy ai. Xa những ngày nghèo túng
rồi. Không ai phải dựa ai. Ðầy đủ. Mà sao cứ như có nỗi vắng trong lòng.
Hay là người ta thiếu nhau món nợ tình thương mến?
Chúc Mừng
Có nhiều lời chúc mừng.
Có nhiều dịp chúc mừng.
Có nhiều người được chúc mừng.
Người ta chúc mừng nhau. Bằng lời nói. Bằng thư từ. Trong
những lời chúc mừng, lời chúc mừng về tình yêu, về những gì liên quan đến hạnh
phúc, đến giá trị thiêng liêng là lời chúc mừng bi đát nhất.
Chẳng hạn:
Kỷ niệm 25 năm thành hôn của anh chị, chúng tôi cầu chúc
tình yêu của anh chị nồng nàn như thủa mới yêu nhau.
Hoặc như:
Kỷ niệm 10 năm linh mục của Cha. Chúng con kính chúc Cha
những ngày tràn đầy hồng ơn Chúa. Tâm tình Cha sốt mến như ngày Cha dâng thánh
lễ mở tay.
Những lời chúc rất chân thành. Càng chân thành bao nhiêu,
càng thấm thía và bi đát bấy nhiêu. Thực tế, những lời chúc này xảy ra hàng
ngày, ở chỗ này, chỗ kia. Nó đến từ trái tim người cầu chúc là mong ước. Và
biết đâu, từ trái tim người được cầu chúc cũng tha thiết xin được như thế. Sự
bi thương nằm ở đó. Lời cầu chúc này đến từ một thực tế. Nó diễn tả cái thực
trạng hàng ngày. Nó là tấm gương phản chiếu trung thực lòng khao khát của người
cầu chúc, nó là ước vọng của người được cầu chúc.
Bi thương hơn nữa là đời cứ tiếp đời, lời chúc tiếp tục lời
chúc đi theo thời gian.
* * *
Kỷ niệm 25 năm thành hôn
Chúng tôi cầu chúc tình yêu của anh chị nồng nàn như thủa
mới yêu nhau. Chúc như thế, nghĩa là, tình yêu của anh chị hôm nay mệt mỏi lắm
rồi. Nó xói mòn lắm rồi, nên tôi chúc cho anh chị được như ngày đầu. Nói cách
khác, tình yêu ấy cứ mỗi ngày một nhạt đi, cứ mỗi ngày một hết như thủa ban
đầu. Chúc như thế, không là thành thực xót xa sao. Nếu tình yêu của người nào
đó, sau 25 năm cưới nhau, bây giờ nồng nàn hơn, thì chúc như thế mang ý nghĩa
gì? Nó vô duyên và vụng về biết mấy. Nhưng hôm nay, họ cứ chúc mừng nhau như
vậy. Họ dựa vào kinh nghiệm thực tế mà làm nên lời chúc. Nếu vậy, mỗi lời chúc
không là một lời đau thương sao?
* * *
Kỷ niệm 25 năm linh mục
Sau 25 là linh mục. Tôi rửa tội biết bao nhiêu người. Tôi
săn sóc biết bao bệnh nhân, xức dầu Thánh cho biết bao nhiêu người trong giờ
hấp hối. Trong 25 năm tôi dâng biết bao thánh lễ. Biết bao lần Mình Máu Thánh
Chúa hóa thân trên tay tôi. Tôi cử hành biết bao bí tích. Như thế, sau 25 năm
đôi tay tôi đã xây dựng biết bao ân sủng. Một phần tư thế kỷ sống sống đời linh
mục, tôi xây dựng biết bao nhân đức. Tại sao người ta lại chúc mừng trong ngày
kỷ niệm đẹp như thế bằng lời chúc bi thương?
Họ mong cho tôi dâng thánh lễ sốt sắng như ngày đầu, nghĩa
là thánh lễ tôi dâng hôm nay không còn chuẩn bị như ngày mở tay. Nghĩa là hôm
nay tôi dâng thánh lễ nhàm chán như chuyện phải làm. Tôi hết náo nức rồi.
* * *
Vì sao có những lời chúc như thế. Cũng là do thực tế mà
thôi. Nó cũng đến từ một nhận thức trong sinh hoạt bình thường. Nó do kinh nghiệm, do
quan sát, do thấy như vậy. Tôi gọi đó là những lời chúc bi thương. Vì nó thật
nên nó bi thương. Những lời chúc ấy đến từ cảm nghiệm.
Những lời chúc như thế,
là linh mục, hay tình yêu hôn nhân, nó là tiếng chuông cầu thương khó. Trước
lời chúc đó, tình yêu phải nhìn lại tình yêu. Hôn nhân phải hỏi lại hôn nhân.
Linh mục phải nhìn lại linh mục. Tu sĩ khấn Dòng phải hỏi lại lý tưởng. Những
lời chúc ấy đến từ ước vọng. Nó vừa là tiếng lòng mong mỏi, cũng vừa là tiếng
lòng đợi trông.
Thủa ban đầu có nhau lưu
luyến ấy, nếu bây giờ nhạt phai, nó phải có nguyên nhân.
Nếu thánh lễ mở tay là
náo nức, bây giờ chỉ còn là bổn phận, nó phải có nguyên do.
Những ngày đầu của tình
yêu hôn nhân, tháng ngày ấy mới là ngưỡng cửa bước vào vườn hạnh phúc. Ðàng sau
đó là một chân trời khám phá. Thì càng đi càng say chứ. Nhưng thực tế, cứ có
những tiếng thở dài. Nhiều đôi hôn nhân càng đi càng mỏi.
Những ngày đầu của linh
mục cũng thế. Mới lên đường mà thấy lòng rộng mở, thì càng cao, đường phải càng
đẹp, càng đi lâu tâm hồn càng say mê đi tới chứ. Nhưng thực tế, không thiếu
những cử hành phụng vụ chỉ là cánh cửa sổ cũ kỹ muốn đóng sập xuống cho chóng
xong.
Từ những kinh nghiệm
được xác định đó, lời cầu chúc ra đời. Ði tìm nguyên do, đi hỏi nguyên nhân.
Kinh Thánh bảo: "Khi mọi người ngủ thì kẻ thù đến gieo cỏ lùng, rồi bỏ
đi" (Mt.13: 25). Thời gian nào mà không có phấn bụi bay. Khoảnh khắc nào
mà không có sương mù. Hạnh phúc rất mong manh. Tấm gương cần phủi bụi mỗi ngày.
Cỏ lùng cần nhổ khi còn là mầm non. Chúa muốn nói với tôi về một tỉnh thức.
*
* *
Là linh mục, xin Chúa
cho con trước lời chúc đó là tiếng lòng cảnh tỉnh.
Con muốn sống làm sao
mỗi ngày đẹp hơn.
Con muốn sống làm sao
với ân sủng để mỗi ngày có thêm thiết tha đi tới chứ không ao ước quay về.
Tình yêu mà cứ mỗi thời
gian đi tới, lại cứ cầu chúc nhau tìm về bến cũ, thì con đò sẽ lặng lẽ biết
bao. Hôn nhân mà mỗi bình minh lên, lại cứ phải mong cho nhau như ngày xa xưa
cũ thì còn đâu chân trời khám phá. Chả có sáng tạo, hôn nhân mà cứ phải nương
nhờ ngày xưa thì bước đi tới nặng nề làm sao.
Lạy Chúa, con muốn nói
với Chúa về một lời chúc.
Ðừng để đời linh mục
con, có những lời cầu chúc như thế.
Xin cho con sửa lại lời
cầu chúc bi thương.
Ngày con dâng lễ mở tay,
chỉ là mở tay thôi, mỗi ngày bàn tay con phải vươn cao hơn, nhiều nhân đức hơn,
chứa đựng nhiều ơn trời hơn.
Ngày đầu bước vào đời
linh mục, có ngỡ ngàng, thì mỗi ngày, mỗi sáng sáng phải ngỡ ngàng hơn vì khám
phá ra quá nhiều ơn sủng Cha ban.
Mỗi thời điểm về gần ánh
sáng, con phải thấy hân hoan hơn, thấy mình thấm nhuần ánh sáng hơn.
Con phải quên đi những
ngày đầu chập chững.
Con phải sống sao những
ngày đầu chỉ là ơn sủng còn non màu mạ, mỗi thời gian đi tới là chứa chan màu
vàng của lúa đơm bông.
Như cánh bướm, vì vườn
hoa càng rực rỡ thì càng buông cánh vào càng duyên dáng hơn.
"Ơn sủng Cha ban
thì hằng hà sa số,
Lớp lớp thời gian Cha
không ngừng đổ rót.
Ðể lãnh xin, con chỉ có
bàn tay bé nhỏ,
Vậy sao hồn con cứ trống
và tim con còn vơi?" (Tagore)
Lạy Cha, lỗi ở con mà
thôi.
Con ước muốn sửa lại lời
cầu chúc trên kia.
Con muốn mỗi ngày cánh
buồm đong gió ra đi là càng thênh thang, chứ đừng có lời cầu chúc tầm thường
mong sao được như ngày xưa bên bến hồ nhỏ bé.
Lời cầu chúc đời ban
tặng con đến từ nhận xét.
Con không thể thay đổi
cái nhìn của đời được, vì con thế nào thì đời nhận xét như thế.
Lời cầu chúc đến từ cảm
nghiệm.
Con không van xin đời thay đổi cảm nghiệm được, con chỉ có
thể thay thế chanh chua bằng mật ong, vì đời cảm nghiệm thế nào, đời mong mỏi
như vậy.
Lời cầu chúc đến từ ước mơ.
Con không cho đời hạnh phúc được nếu mơ ước kia không là sự
thật.
Lời cầu chúc đến từ lòng thành thật.
Con có đau thương vì lời chúc thì cũng hãy thành thật nhận
lời chúc như câu kinh.
Lời cầu chúc đến như tiếng than thở.
Con hãy quý những thở than đó vì nó là tiếng lòng nhắc nhở
con về một tiếng gọi.
Lời cầu chúc đến từ thực tế.
Con không thể lặng thinh mà không hỏi lòng mình: Tại sao
thế?
Lời cầu chúc có thể còn tiếp tục mãi.
Con không thể lặng thinh mà không hỏi Chúa:
- Vậy sáng mai con dâng thánh lễ ra sao.
* * *
Ôi! Lạy Chúa,
Mỗi lời chúc đều nói với con về một ý nghĩa.
Mỗi lời chúc đều nói với con về chính con.
Mỗi lời chúc đều nói với con về liên hệ giữa con và Chúa. Amen.
Ðể Tự Do Và Hạnh
Phúc Hơn
Bỗng nhác thấy bóng ngựa
phóng qua. Kẻ trên lưng ngựa chính là người bạn thủa xưa cùng nhau tầm thầy học
đạo. Cất tiếng gọi, mà bóng ngựa cứ nước kiệu phóng đi như bay. Băn khoăn về
người bạn cũ thủa nào. Nhà đạo sĩ lên đường xuôi phương nam tìm ngọn núi có am
thất của kẻ đồng môn. Tới nơi, nhân gian cho ông biết am thất không còn ai
trông coi. Kẻ trụ trì đã chết rồi. Tính ra, đúng ngày mà có bóng ngựa đi qua.
Ngày xưa hai người có
một lời hứa: Ai chết trước sẽ về báo cho kẻ ở lại biết thế giới bên kia thế nào.
Phải chăng bóng ngựa là hồn người bạn cũ?
Ðêm đó, bên rừng am
thất, bỗng có người cầm tay nhà đạo sĩ dắt đi. Quay nhìn, chính hồn người bạn
cũ hiện về!
- Này, bạn cũ, xin nói
cho tôi biết thế giới bên kia thế nào.
Hồn người chết lẳng lặng
kéo nhà đạo sĩ theo mình. Qua khu rừng, rồi một hoang địa. Có tiếng nói từ đâu
đó:
- Ði về phía đông mươi
trượng, vào đường hầm. Ði xuống trăm bước. Ði lên. Về phía nam.
Thoát chốc, hồn người
bạn cũ biến mất, bất ngờ như khi hiện đến.
Mơ hồ như trong giấc ngủ
mộng mị. Con đường về thế giới bên kia bắt đầu. Hồn nhà đạo sĩ theo tiếng gọi
huyền bí dẫn đi. Qua nhà, qua cửa. Ông nghe có tiếng cầu kinh. Trời đổ mưa.
Ngoài cánh đồng có người làm việc. Hoàng hôn lên, bình minh xuống. Bé thơ ngồi
xem mẹ xay bột bên khuông cửa. Êm ả, một đời sống thanh bình. Ông hỏi tiếng
vọng:
- Thiên đàng đâu?
Một quang cảnh tương tự
như cuộc sống bình thường chung quanh ông trên dương thế đang diễn ra.
"Ðó, ông đang đi qua thiên đàng đó." Nhà đạo sĩ không thấy chi thần
tiên như người ta nói, không có các vũ công vũ khúc nghê thường. Không có yến
tiệc linh đình. Một sinh hoạt như cuộc
sống trên dương thế của
ông thôi. Kì lạ quá. "Thiên đàng có vậy thôi sao? Còn hỏa ngục thế
nào?" Ông ngạc nhiên về những hình ảnh thiên đàng, hỏa ngục mà ông vẫn dạy
trong những bài thuyết giảng của mình.
Qua thiên đàng rồi,
tiếng vọng dẫn ông sang một thế giới khác. Chập chờn, ông lạc vào một vùng như
hoang tưởng. Chung quanh ông là những tòa nhà sang trọng. Có những toán người
ca hát nhẩy múa thâu đêm suốt sáng. Yến tiệc bày biện tưng bừng. Chỗ nào ông
cũng thấy xa hoa, phấn hương. "Có phải đây mới là thiên đàng chăng?"
Ông ngạc nhiên không hiểu nơi này là gì mà hạnh phúc phúc thế. Nhưng có tiếng
bí mật trả lời ông: "Không! đây là hỏa ngục!" Qua sảnh đường, ông nhác
thấy có người quen, chính hồn người bạn cũ năm xưa! Ông ta đang ngậm miệng cố
nuốt những dòng rượu chảy nhễ nhãi. Chung quanh sàn nhà cẩm thạch, đoàn vũ nữ
nhẩy múa. Nhóm người khác đang chia nhau tiền bạc. Tiền đâu mà nhiều thế. Họ
đếm thâu đêm suốt sáng không hết. Chỗ nọ, đoàn nhạc công mồ hôi nhễ nhãi oằn
oại trên tiếng đàn. Họ ăn chơi không ngơi nghỉ. "Thế này nghĩa là gì? Ðâu là thiên đàng? Ðâu là hỏa ngục?"
* * *
Ðược giác ngộ, nhà đạo sĩ mới thấy những gì hiểu về thiên
đàng, hỏa ngục của ông xưa kia non nớt quá. Ông vẫn nghĩ rằng thiên đàng là nơi
không phải làm việc, chỉ có ăn chơi, tung tăng nhàn hạ suốt ngày. Hỏa ngục là
nơi cực hình, không có ăn chơi, chỉ quần quật làm việc. Bây giờ trái ngược lại.
Nhưng ông đã hiểu. Cái bi thương hệ tại là thiên đàng có tự do, hỏa ngục là
đường một chiều, không có chọn lựa.
Ông thấy người bạn cũ sống trong căn nhà lộng lẫy, không
phải làm việc gì, chung quanh là nhạc khúc dập dình. Mới đầu ông nghĩ thế thì
hạnh phúc quá. Nhưng hồi lâu, lâu nữa, một ngày, hai ngày, rồi một năm, hai
năm, nếu dòng rượu cứ suốt ngày đêm tuôn chảy và người bạn cũ của ông cứ phải
oằn oại uống như thế suốt năm này qua năm nọ thì sao? Ông ớn đến lạnh người.
Nhìn chung quanh, ông thấy quả là một thế giới kinh hoàng. Tốp người đang khiêu
vũ kia cứ oằn oại trong điệu nhạc, ngày này qua ngày nọ. Họ không được đi đâu,
không phải làm gì, đời họ bây giờ chỉ là khiêu vũ, ngày, đêm. Ông đứng nhìn
những khuôn mặt thất thần. "Họ đã ở đây bao lâu? Họ đã phải đếm tiền thế
kia từ thế kỉ nào?" Chung quanh ông không còn là hạnh phúc vì tiếng đàn,
vì những khăn bàn bằng lụa quý, những chén ngà chạm vàng nữa. Ông thấy một thế
giới cô độc khủng khiếp. Nhìn người bạn cũ, ông thấy đôi mắt đỏ ngàu, lờ đờ.
Môi miệng sưng lên, nhưng ông ta không nghỉ được, dòng rượu cứ chảy và ông cứ
ừng ực mà uống.
* * *
Những ngày còn lại cuối đời của nhà đạo sĩ, ông nhìn lại
những lời giảng thuyết của ông ngày xưa thế nào là hạnh phúc, thế nào là đau
khổ. Ông thấy những suy tư ấy non yếu quá. Trầm ngâm hơn, ông viết cho người môn
sinh của mình về thiên đàng và hỏa ngục như sau:
Con thân mến,
Thiên đàng là nối tiếp hạnh phúc chúng ta sống trên cõi
trần. Hỏa ngục là xây tiếp những nô lệ nội tâm chúng ta đang xây dở dang.
Con đừng cầu xin Thượng Ðế cho con bất hạnh đời này để được
hạnh phúc đời sau. Con phải nỗ lực vươn lên mà loại bớt bất hạnh. Thượng Ðế
không muốn con người đau khổ. Ðến trong trần gian, Ðức Kitô cho người đói ăn,
người què đi, người mù nhìn thấy, người phung hủi được sạch, người chết sống
lại. Ðau khổ, tự nó là điều xấu. Ngài không muốn. Con hãy xin Thượng Ðế cho con
hạnh phúc đời này, như hình ảnh báo trước một hạnh phúc thật bao trùm đời sau.
Và hãy hết sức làm đẹp thế giới con đang sống chung quanh bằng con đường xây
dựng hòa bình, công chính, yêu thương để con người cảm thấy vị ngọt hạnh phúc
mai sau sẽ dạt dào thế nào.
Con đừng vì lười biếng không nỗ lực xây dựng cuộc sống hạnh
phúc hôm nay rồi tự an ủi hứa thiên đàng là hạnh phúc tương lai.
Hỏa ngục không là hình phạt Thượng Ðế sắm sẵn như một nhà
tù xây nên rồi chờ xem ai lỗi phạm thì bắt vào. Hỏa ngục cũng giống thiên đàng,
cuộc sống ấy là kéo dài những dở dang của con người trong cuộc sống hôm nay.
Nếu dang dở ấy là hạnh phúc thì con sẽ hạnh phúc tiếp đời sau, đó là thiên
đàng. Nếu dang dở ấy là bất hạnh thì đời sau là bất hạnh tiếp cái dang dở ấy,
đấy là hỏa ngục. Con hoàn toàn lựa chọn cho mình. Căn nhà hạnh phúc con đang
xây dở thì khi chết rồi, con sẽ tiếp tục xây hạnh phúc ấy. Con xây ngục thất,
thì khi chết rồi con sẽ phải tiếp tục xây cái ngục tù dở dang của bất hạnh đó.
Tội là con đưa một đam mê lên thành lí tưởng để theo. Hạnh
phúc là sự hài hòa của mọi thứ say mê.
Tình yêu, tình dục, lòng thèm muốn, ghen tương, nhan sắc,
tiền bạc, giận hờn, sức khỏe, trí tuệ, vật chất, tinh thần... tất cả làm nên
con người chúng ta. Hạnh phúc là khi ta quân bình và hài hòa nó. Chẳng hạn như
nhan sắc, đó là nghệ thuật, nó đem hạnh phúc cho người, cho mình. Nhưng nó phải
hài hòa trong nhân đức, thật thà, đoan trang. Khi con người để nhan sắc thành
lí tưởng cao nhất để theo thì giống như một bức tranh thêu, nhan sắc sẽ tiêu
diệt những đường chỉ thêu khác. Lúc ấy lòng thương xót sẽ chết trước cửa nhà
người nghèo khó, lòng bao dung chìm dần, niềm tự kiêu dâng lên. Con sẽ dùng mọi
tiền bạc cho tấm thân thôi, những tốn phí có thể lỗi công bình, vì con không
còn lòng thương xót cho những kẻ phải sống không đúng phẩm giá con người chỉ vì
nghèo. Không có một chút ghen, có lẽ cuộc sống cũng khô khan lắm. Không có tình
dục, con người sẽ đi về đâu. Giận hờn cũng thế, nó cho người ta những giây phút
"đau thương êm ái." Nhưng chúng phải hài hòa.
Con thấy đó, hỏa ngục là nơi không còn hài hòa. Kẻ nhẩy múa
là thâu đêm suốt sáng nhẩy múa. Kẻ uống rượu là phải uống triền miên. Khi sống,
họ chọn một đam mê rồi đưa lên thành lí tưởng để theo, thì khi chết họ cũng
theo lí tưởng đó mà sống. Hỏa ngục hệ tại là đó.
Tội làm con người mất hạnh phúc. Nhưng mất hạnh phúc bằng
cách nào? Tội là thần tượng một đam mê. Khi một đam mê lên cao thành thần tượng
thì nó thống trị mọi suy tư khác. Kẻ ấy lúc nào cũng bị ám ảnh bởi đam mê đó.
Ðam mê độc tài này đẩy con người vào hành động. Lúc ấy, con người mất tự do. Bị
đam mê điều khiển thì cuộc sống thành đường một chiều. Trên đường một chiều
này, hễ ca múa là thâu đêm suốt sáng ca múa. Hễ say đắm tình dục thì ngụp lặn
trong dục tính. Hài hòa bị tan vỡ. "Nô lệ là kẻ để cho bất cứ sự gì đó
thống trị mình" (2 Phêrô 2:19).
Hạnh phúc, đau khổ là những định nghĩa đơn sơ thôi. Thiên
đàng và hỏa ngục ở khắp nơi trên cõi thế này. Bởi đó, con không cần mong người
sau hiện về nói cho biết. Chính Kinh Thánh cũng chẳng cho ai từ cõi chết về để
nói về thiên đàng, hỏa ngục. Ðây là thế giới riêng tư của mỗi người, thì làm
sao con biết thiên đàng của kẻ khác được? và con cũng đâu cần điều ấy, phải vậy
không? Cúi hỏi tâm hồn mình, nhìn xem có đam mê nào con đang đưa lên thống trị
suy tư, hành động trong đời sống của con. Nơi đó con sẽ thấy thiên đàng hay hỏa
ngục.
* * *
Khi của cải bị cô lập một mình, xa cách sự độ lượng, lòng
thật thà, tâm tình bao dung, thì nó không còn bè bạn. Nó trở nên độc tài. Nó
trả thù lại kẻ đã cắt đi những liên hệ mà nó phải có. Nghi ngờ đi với thành
thật và độ lượng sẽ thành khôn ngoan. Có sức mạnh nhưng thiếu tâm hồn sẽ thành
hung bạo. Tình dục đi với lề luật sẽ phong phú tình yêu. Tự bản chất, tất cả nó
đã được sinh ra trong những liên hệ hài hòa ấy. Khi ta chọn một mà thôi đời
sống sẽ nghiêng đổ.
Nhà đạo sĩ thấy nơi ông đi qua mà tiếng nói nhiệm mầu bảo
ông là thiên đàng, có gì đặc biệt đâu. Cũng đồng lúa. Có mưa và nắng. Có người
tát nước bên dòng sông. Chính trong cái bình thường ấy mà ông đã đi tìm định
nghĩa thiên đàng như một thế giới xa lạ, rực rỡ xa hoa. Ông không nhìn thấy
thiên đàng hay hỏa ngục ngay dưới chân mình. Trong cuộc đời, bao người đã đi
hết miền đất này tới miền đất kia tìm thiên đàng hạ giới. Nhưng họ cứ tìm mãi
mà đời cứ mênh mông, không gặp.
Bây giờ ông hiểu í sâu xa mà tiếng nói nhiệm mầu dạy ông.
Thiên đàng là sự tự do nội tâm. Ông đã viết xong lời cuối, muốn gởi người môn
sinh. Ông muốn nhắc cho người môn sinh hỏa ngục là tiếp tục cái thú vui độc
đoán lúc còn sống, như người mê rượu sẽ suốt ngày đêm phải uống rượu tiếp,
người mê nhẩy múa sẽ suốt tháng cứ nhẩy múa liên miên, kẻ mê tiền thì khi chết
rồi không được làm gì cả cứ đếm tiền hết năm này qua năm nọ. Ðọc lại những gì
đã viết, ông chả thấy có gì mới cả. Kinh Thánh đã nói đến rồi. "Nếu họ
không tin lời của Môsê và các tiên tri, thì người chết có sống lại, họ cũng
chẳng chịu tin đâu" (Lc. 16:31). Rồi, ông lặng lẽ cất đi những gì đã viết,
không gởi cho người môn sinh nữa.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét