Ví như Tôn Tẩn đã nói răng: “Tri kỹ tri bỉ, bách chiến bách thắng” (Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng), thì linh mục chúng ta, trong cuộc chiến đấu vật lộn với đời, chúng ta cần phải biết chính mình. Hôm nay, xin nói về vấn đề: “Linh mục, người là ai?”
Để đào tạo linh mục, Giáo Hội phải tốn bao nhiêu công sức và thời gian. Chúng ta là người trong cuộc, nhiều khi gần quá hóa quen, nên ít khi đặt lại vấn đề, ít khi xét lại để thấy căn tính của mình. Hôm nay trong những ngày phòng ngắn ngủi này, chúng ta hãy dành một ít phút để suy gẫm về chính mình, rà soát lại xem thế nào là linh mục đích thực, và chúng ta đã sống thiên chức linh mục ấy thế nào.
Vậy, linh mục, người là ai?
Hình ảnh của linh mục rất đa dạng nơi cảm nghĩ của dân chúng. Cách đây ba bốn mươi năm, linh mục là người dâng thánh lễ, cử hành các Bí tích, giảng dạy đức tin, luân lý, Kinh Thánh, là con người của Giáo Hội, độc thân, xa lìa thế gian, mặc áo dòng đen, một viên chức có quyền thế, một nhà quý phái có bàn tay trắng. Nhưng gần đây hơn, danh từ linh mục gợi lên trong trí óc người ta, hình ảnh của một người bạn nghèo, có bàn tay chai cứng, đấu tranh cho hòa bình, cho độc lập, cho tự do, tham gia chính trị, vận động yêu nước, chống tham nhũng…
Những ý tưởng chồng chất ngổn ngang, có khi mâu thuẫn và hời hợt như người ta móc đầy áo đủ loại trên một cái móc áo. Chúng ta hãy bắt đầu cởi bỏ những gì gán cho linh mục và chỉ giữ lại thực chất của linh mục, được truyền thống giới thiệu bắt đầu từ Chúa Giêsu cho đến các linh mục ngày nay.
Đã từ lâu, các nhà thần học, vì muốn truy tìm chính xác, đã tháo gỡ guồng máy Giáo Hội ra và đã định vị từng bộ phận. Do đó, họ đưa Đức Giáo Hoàng ra khỏi Giám mục đoàn, Giám mục ra khỏi linh mục đơn giản, tu sĩ ra khỏi những người được rửa tội, linh mục khỏi giáo dân, Đức Nữ Đồng Trinh khỏi các thánh khác và khỏi Hội Thánh chung chung, bảy phép Bí tích ra khỏi những động tác Bí tích của Hội Thánh. Tháo rời như vậy để hiểu rõ hơn từng bộ phận một.
Giờ đây, có chiều hướng đổi ngược. Các nghị phụ Công Đồng Vatican II cũng như các nhà thần học mới, ráp lại, đặt các bộ phận vào trong toàn khối. Họ đặt Đức Giáo Hoàng trong Giám mục đoàn và trong Hội Thánh (Phêrô tuy đứng đầu, nhưng cũng là một trong nhóm 12 và nhóm 12 cũng là toàn thể dân Chúa), đặt linh mục trong cộng đoàn tín hữu, đặt đời sống tu trì trong đời sống những người được rửa tội, đặt các Bí tích trong Hội Thánh và Hội Thánh được coi là Bí tích Mẹ, đặt Đức Trinh Nữ Maria vào Mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh Người.
Đặc biệt đối với các linh mục, sự biến cải hiện thời của lịch sử, liên kết với nền thần học mới, đưa linh mục trở về hàng ngũ thực sự của mình. Ngày nay, linh mục có uy tín và thế giá, không phải chỉ vì ông được thụ phong linh mục, có chức thánh, mà quan trọng là do đời sống tông đồ và mục vụ của mình. Bởi lẽ, xưa kia người ta coi linh mục là người thông biết mọi sự. Ngày nay, cùng với sự phổ thông văn hóa, linh mục không còn là người duy nhất nắm giữ kiến thức. Người giáo dân bây giờ cũng thông thái, có khả năng chuyên môn, ngay cả cũng đào sâu Kinh Thánh, giáo luật; có những người có bằng cấp cao trong các trường đại học công giáo. Còn về tu đức, có những giáo dân được công nhận như bậc thầy. Họ cũng giảng phòng, làm cố vấn thiêng liêng như các linh mục, chẳng hạn như anh Francois Duff, sáng lập Legio Mariae.
Đàng khác, trong xã hội tục hóa hiện nay, các linh mục không có vai trò nổi bật nữa. Không còn lối sống riêng cho linh mục nữa, không có chỗ dành riêng cho các linh mục trên khán đài danh dự nữa. Linh mục cũng không than phiền về vấn đề này. Không còn là tai mắt đáng được để ý, linh mục lấy làm hạnh phúc sống hòa mình trong cộng đoàn huynh đệ, thích làm một tín hữu giữa các tín hữu, thích làm một công dân như các công dân khác.
Nhưng không phải vì thế mà chúng ta từ bỏ căn tính độc đáo của linh mục. Trong thánh lễ truyền chức linh mục, Đức Giám Mục hỏi ứng viên:
- “Con quý mến, con có muốn trở thành linh mục, cộng tác viên của Giám Mục trong chức linh mục, để phục vụ và dẫn dắt Dân Chúa dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần không?”
- “Con có muốn trung thành chu toàn tác vụ Lời Chúa, nghĩa là rao giảng Tin mừng và trình bày giáo lý Đức Tin công giáo theo truyền thống của Hội Thánh để ngợi khen Thiên Chúa và thánh hóa Dân Kitô giáo không?”
- “Con có muốn mỗi ngày kết hiệp với Linh Mục Thượng Phẩm là Chúa Kitô, Đấng tận hiến mình cho Cha Người và với Người, thánh hiến con cho Thiên Chúa để cứu rỗi loài người không ?”
Sau khi ưng thuận và hứa vâng phục Đức Giám Mục, tiến chức đến quỳ gối đặt tay vào lòng bàn tay Đức Giám Mục. Rồi cộng đoàn đọc kinh cầu Các Thánh, cả triều thần thánh, cộng đoàn Dân Chúa đều tập hợp và cầu nguyện cho tiến chức đang nằm phủ phục dưới đất. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp, gây xúc động trong ngày thụ phong linh mục.
Các câu hỏi trên đây trình bày súc tích căn tính của linh mục, đó là hợp tác với Giám Mục điều hành dân Chúa, rao giảng Lời Chúa và trao ban các Bí tích. Làm mọi sự liên kết Đức Giám Mục trong kính trọng và vâng lời. Nói cách khác, linh mục là hiện thân của Đức Kitô, làm đầu của Nhiệm Thể Người là Hội Thánh, kéo dài sự nghiệp Chúa Giêsu ở trần gian để điều hành Dân Chúa, thánh hóa và rao giảng Tin mừng. Nếu thánh Phaolô đã nhận xét về mình trong câu bất hủ: “Nay tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà Chúa Kitô sống trong tôi”, thì linh mục cũng có thể khiêm tốn tự hào nói lên: “Nay tôi nói và làm, nhưng không còn là tôi, mà Chúa Kitô nói và làm qua tôi”.
Khi nhìn ngắm đóa hoa phô sắc trên bàn thờ, người ta dễ quên đi quá trình hình thành của nó. Nếu chúng ta theo dõi cây hoa từ khi mới được ươm trong vườn, nó phải chống chọi với sương nắng, với gió lạnh, đương đầu với khí nóng, phải hút lấy nhựa sống, hô hấp khí trời và thải ra những chất carbon. Tất cả những tiến trình này phải lựa chọn và từ bỏ liên tục mới đi đến thành công, giúp chúng ta đánh giá đúng mức sự quý báu của đóa hoa mà chúng ta đang nhìn ngắm.
Cũng vậy, từ một cậu bé chập chững đi vào Tiểu Chủng Viện với cả một trời bí mật bao trùm trên con đường ơn gọi cho đến lúc lớn khôn, trưởng thành dần dần, chú rồi thầy, rồi mới đến cha, bao nhiêu là thử thách, bao nhiêu là cố gắng, bao nhiêu là kiên nhẫn đợi chờ. Quá khứ nặng nề ấy chúng ta đã vượt qua, nhưng đàng trước, là bổn phận, là trách nhiệm. Đời sống linh mục có vẻ đầy đủ, có khi khá huy hoàng, nhưng là đời sống hy sinh, phục vụ quên mình, thì làm sao không đau khổ. Trách nhiệm chồng chất, trách nhiệm trong sự đều đều đến kinh sợ, và trước tiên, là đời sống cô độc. Có thể ví cuộc đời linh mục với thân phận con gà treo, tuy bên ngoài đầy đủ thức ăn nước uống, nhưng phải đứng im trong ô chuồng không cựa quậy, trong một không gian chật hẹp, mỗi ngày có bổn phận đẻ cho chủ một quả trứng, không được đi đó đi đây, không được bươi móc như các con gà khác, vì nếu được tự do thong thả thì mất trứng.
Trong xã hội vật chất và hưởng thụ, người ta bảo đời sống linh mục như vậy là gò bó, không thoải mái. Nhưng có đời sống nào trên trần gian này hoàn toàn thoải mái? Công nhân, thợ thuyền, giáo chức, nông dân, thương gia, sinh viên…, mỗi người cũng phải nai lưng làm việc, phải chu toàn mọi trách nhiệm của mình, phải đấu tranh vật lộn với đời và phải tuân thủ mọi lề luật. Chỉ có lúc ngủ quên hay chết, chớ không bao giờ nói đến chuyện thoải mái, nếu mỗi người muốn sống nghiêm chỉnh theo căn tính của mình.
Còn hơn thế nữa, linh mục là người của muôn người, được sai đi để phục vụ, để làm đầy tớ thiên hạ, thế tất phải sống đời hy sinh, còn lâu và còn xa mới nói đến chuyện thoải mái vô tư trong đời sống mục vụ. Đúng như Cha Chevrier đã nói: “Linh mục là người bị ăn”. Bị ăn, thế tất phải hao mòn thân xác và tinh thần.
Không thể nghe theo những kẻ bệnh hoạn, kêu la ầm ỹ, lượng định cách lệch lạc giá trị cao cả của chức linh mục. Còn tệ hơn nữa, là đang mang trong mình kho tàng quý báu, không biết coi trọng, lại làm hoạt kê chân dung linh mục trong đời sống mình. Đa số 90% linh mục âm thầm làm việc, tiến bước trên con đường trọn lành bằng những bước chân vững chắc, can đảm đương đầu với mọi thử thách gian lao. Những người không sanh sự, không khoác lác, ồn ào thì không được dư luận để ý đến, còn thiểu số kia bỏ cuộc, thì báo chí, truyền thanh, truyền hình làm rùm beng gây tiếng vang ầm ỷ. Sức sống thiêng liêng do các linh mục mang lại đang trào dâng từ đầu não, lan tỏa khắp thân thể là Giáo Hội. Tại sao nói là đầu não? Bởi lẽ linh mục, hiện thân cho Chúa Giêsu, là Đầu của Thân Thể Người là Giáo Hội. Trong sắc lệnh về “Chức vụ và Đời sống linh mục”, Công Đồng Vatican II có dạy: “Vì được liên kết với chức Giám Mục, nên chức năng của các linh mục cũng tham dự vào quyền bính mà chính Đức Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản thân mình Người. Vì vậy, chức linh mục tuy dựa trên các Bí tích khai tâm Kitô giáo (rửa tội, thêm sức và Thánh Thể), nhưng lại được một Bí tích riêng in dấu đặc biệt khi họ được Chúa Thánh Thần xức dầu và làm cho nên giống Chúa Kitô Linh Mục, hầu làm cho họ có khả năng nhân danh Đức Kitô Đầu mà hành động”.
Trong quyển sách tựa đề “Hình ảnh mới của Hội Thánh”, Đức cha Ancel viết như sau: “Muốn hiểu các linh mục, phải nhìn vào Giám Mục; muốn hiểu các Giám Mục, phải nhìn vào các tông đồ;muốn hiểu các tông đồ, phải nhìn vào Đức Kitô xét như Đầu của thân thể, là Đấng sáng lập và cứu chuộc Hội Thánh, một Hội Thánh đang nhờ trung gian của Chúa Thánh Thần mà Người đã sai đến để giảng dạy, thánh hóa và dẫn đưa mọi người về với Chúa Cha”.
Như vậy, linh mục vừa là người được rửa tội, trước hết và luôn luôn, linh mục ở trong cộng đoàn tư tế của dân Chúa, là chi thể cùng với các chi thể khác trong thân mình của Đức Kitô.
Vừa là người được truyền chức, linh mục đồng thời cũng là người đứng trước cộng đoàn, như thể một ai khác đang triệu tập và nói với cộng đoàn, như thể là Đầu của Thân Mình ấy.
Như vậy, chúng ta có thể rút từ đây, những phận sự chính yếu của linh mục là rao giảng Tin mừng, cử hành các Bí tích và dẫn dắt đoàn chiên Chúa giao phó.
Linh mục là cộng sự viên của Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo Tin mừng của Thiên Chúa. Lãnh nhưng không, phải cho nhưng không. Lãnh Lời Chúa để phát, linh mục mắc nợ với mọi người. Các linh mục phải thông truyền chân lý Tin mừng mà Chúa đã trao cho họ và phải ra sức thực hiện điều này trong mọi trường hợp, dù khi họ sống một cuộc đời tốt đẹp gương mẫu giữa dân ngoại, lôi kéo dân ngoại ca tụng Thiên Chúa, dù khi họ công khai giảng thuyết cho những người chưa tin, dù khi họ dạy giáo lý Kitô giáo hay giải thích học thuyết của Hội Thánh cho các tín hữu, hoặc chuyên lo nghiên cứu những vấn đề thời đại đi nữa, nhất là chu toàn bổn phận truyền giáo đối với lương dân.
Cha Andrée Depierre đã viết trong quyển “Gió muốn thổi đâu thì thổi” những lời trăn trở sau đây: “Tôi thiết tưởng không phù hợp với Kitô giáo khi đa số linh mục đều phục vụ các cộng đoàn dân Chúa được quy tụ trong Hội Thánh và chỉ một số nhỏ các linh mục lo cho những người chưa nhận biết Đức Kitô, mà số này đông biết bao”.
Phận sự thứ hai của linh mục là thánh hóa Dân Chúa: các linh mục được Thiên Chúa hiến thánh để tham dự đặc biệt vào chức linh mục của Chúa Kitô và để trong khi cử hành các việc thánh, họ hành động như những thừa tác viên của Đấng, nhờ Thánh Thần của mình, vẫn không ngừng thi hành chức vụ để mưu ích cho chúng ta. Thực vậy, nhờ phép rửa, họ dẫn đưa con người gia nhập vào Dân Thiên Chúa; nhờ Bí tích thống hối, họ giao hòa tội nhân với Thiên Chúa và Hội Thánh; nhờ việc xức dầu bệnh nhân, họ xoa dịu những ai đang đau đớn; nhất là nhờ việc cử hành thánh lễ, họ tiến dâng hy lễ của Đức Kitô cách Bí tích. Như thế, tiệc Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn tín hữu mà chủ sự là linh mục. Ngoài ra, kinh Nhật Tụng hay Phụng Vụ Các Giờ Kinh làm cho linh mục kéo dài thánh lễ suốt ngày, đồng thời qua đó, các linh mục nhân danh Giáo Hội, thành khẩn cầu cùng Thiên Chúa cho toàn dân đã được trao phó cho các Ngài, và hơn nữa, các Ngài cầu cho toàn thể thế giới.
Thừa tác vụ thứ ba là làm chủ chăn Dân Thiên Chúa. Tuy phân biệt thừa tác vụ linh mục làm ba chức năng như xưa nay, đáp ứng với những khía cạnh thật của sứ mệnh linh mục, nhưng trong cụ thể, khi sinh hoạt, thì cả ba gắn liền và hòa trộn lẫn nhau chẳng khác nào việc hô hấp, tiêu hóa và tuần hoàn trong cùng một cơ thể. Lời Chúa không ngừng lại ở ngưỡng cửa Bí tích, trái lại ở đó, nó còn âm vang mạnh mẽ vì tất cả các Bí tích đều là những Bí tích đức tin. Cũng vậy, chức vụ chủ chăn quy tụ Dân Chúa không phải là chuyện làm sau khi cử hành xong phép Thánh Thể, nhưng là quy tụ để cử hành Thánh Thể. Một khi đã dành ưu tiên cho việc phúc âm hóa và quan tâm đến các con chiên lạc, thì các bổn phận khác sẽ được bảo đảm và hòa chung trong một chức vụ chăn chiên. Như vậy, linh mục là người quy tụ mọi người trong Đức Kitô Giêsu, xây dựng cộng đồng, mở rộng cộng đồng ấy và liên kết với mọi cộng đồng trên thế giới, nói cách khác, đào tạo và làm tăng trưởng Thân Thể Chúa Kitô.
Sau khi ôn kỹ bản chất và các chức năng của linh mục, chúng ta hãy xét xem chúng ta sống chính danh như thế nào. Mỗi ngày chúng ta có luôn trau dồi kiến thức về Kinh Thánh để rao giảng không phải lời riêng của mình, mà Lời Chúa cho giáo dân đang khao khát của ăn nuôi hồn không ? Chúng ta có chịu khó suy gẫm trước và thực hành những điều chúng ta phải trình bày cho dân Chúa không? Hay chúng ta đã lợi dụng tòa giảng như diễn đàn để tranh biện, để tự khẳng định mình hoặc chửi mắng la rầy giáo dân? Thật ra, có lúc cần phải sửa dạy, nhưng luôn dùng lời tao nhã, luôn dùng văn từ sao cho xứng với thiên chức linh mục của mình. Hãy bắt chước tiên tri Nathan khi phải sửa sai Đavit.
Chúng ta có luôn ra sức dâng lễ sốt sắng, không đọc lua láu quá nhanh hay kề cà quá chậm, làm sao cho Dân Chúa tham dự thánh lễ sốt sắng và tiếp cận với hy lễ tuyệt vời này một cách hữu ích để lãnh nhận tối đa ơn thánh không?
Hãy rà soát lại cung cách chúng ta giải tội. Có coi đó như một phương tiện tốt để hòa giải nhân loại với Chúa, những người anh em với nhau, hay coi đó chỉ là xâu bơi cực nhọc?
Linh mục trong tòa giải tội đóng nhiều vai trò tế nhị: vừa là cha, là thầy thuốc, là bạn, vừa là thẩm phán, nhưng cũng là thầy dạy, là mẹ hiền.
· -Chúng ta có sẵn sàng giải tội khi giáo dân cần đến, hay chúng ta cứng nhắc tính giờ định khắc để biến việc xưng tội của giáo dân thành khổ cực và đáng ngại không?
· -Chúng ta có sẵn sàng đi kẻ liệt vào bất cứ giờ nào trong niềm xác tín đây là dịp cuối cùng để chúng ta tiễn đưa một cách quyết định người con chiên của chúng ta vào cõi sống muôn đời không?
· -Chúng ta có chuẩn bị thanh niên nam nữ đi vào cuộc hôn nhân cách chu đáo không?
· -Chúng ta có tích cực tìm hiểu ơn gọi, nuôi lấy những mầm non để sau này đưa các thanh niên ấy vào các dòng tu, các chủng viện, và tích cực tạo điều kiện tốt để họ sống đời sống dâng hiến trong tôn thờ và phục vụ đắc lực hơn không?
· -Chúng ta có làm mọi sự với nhiệt tình Nhà Chúa không?
· -Trong đời sống mục vụ, trong giáo xứ, trong môi trường đào tạo, chúng ta có cư xử đầy tình bác ái và xây dựng với những cộng sự viên của chúng ta không?
· -Chúng ta có để cho các linh mục đồng nghiệp, cho những ông câu, ông biện, những người trong ban hành giáo có sáng kiến không? Chúng ta có tôn trọng những đề nghị của họ không?
· -Chúng ta có lắng nghe trong đối thoại chân thành và quyết định cách khách quan không? Hay chúng ta biến họ thành những dụng cụ sai vặt như những người đầy tớ phải tuyệt đối vâng lời ông chủ? Chúng ta có bóp chết mọi sáng kiến của họ, chỉ đề cao cá nhân của mình một cách chủ quan, chỉ cho mình là trung tâm truyệt đối bất khả ngộ?
· -Chúng ta có ra sức tổ chức các lớp giáo lý có hệ thống, có tìm những giáo lý viên đắc lực, có sắp xếp các lớp theo lứa tuổi và theo nhu cầu?
· -Chúng ta có tìm mọi cách biết rõ con chiên của mình để tận tình giúp đỡ hay là dửng dưng sống chết mặc bay?
· -Trong đời sống xã hội, với người lương cũng như giáo, chúng ta có ngay thẳng trong lời nói, trong phong cách, trong lối đối xử, cách ăn uống, nhất nhất phải ý tứ cẩn thận, vì qua đời sống của linh mục, người ta phải nhận ra dáng dấp của Chúa Giêsu Cứu Thế?
Những tiêu chuẩn được đưa ra cho các linh mục xưa nay là: Thánh thiện, nhiệt thành, trở nên muối đất đèn đời, hoàn toàn quên mình trong sứ vụ, bất chấp khó khăn, hoạt động hăng say dưới nhiều hình thức khác nhau để mở mang Nước Chúa, nêu gương nhân đức, chăm lo cho con chiên cả tinh thần lẫn vật chất. Muốn đạt được những tiêu chuẩn ấy, linh mục cần phải tự huấn luyện mình quảng đại, nhiệt thành, nội tâm sâu sắc, sống giản dị, phục vụ tận tình, sẵn sàng đối thoại không định kiến
Như vậy có quá đòi hỏi nơi linh mục hay không?
Tại sao phải dồn hết gánh nặng trên vai của linh mục?
Đúng là sứ vụ của linh mục rất vinh dự nhưng cũng rất nặng nề. Một viên ngọc quý được đặt trong bình sành. Nhưng có Chúa ở cùng, chúng ta không lo sợ. Vì theo sát gót Chúa Giêsu, nên bổn phận chúng ta cũng làm con người-Chúa như chính Đức Kitô. Có nghĩa là làm trung gian giữa trời và đất.
Sau đây tôi xin giới thiệu một chứng nhân anh hùng: suốt đời chứng nhân đó đã theo sát gót Chúa Giêsu trong ơn gọi của mình. Người đó là cha Đamiên, biệt danh tông đồ người hủi ở đảo Molokai, một đảo nằm trong quần đảo Hawai, giữa Thái bình dương. Tại đây, từ 700 đến 800 người mắc bệnh phong hủi đàn ông, đàn bà, trẻ con chồng chất trong một phòng nhỏ của đảo, bị đuổi ra khỏi những đảo lân cận mà trước kia họ ở, để khỏi lây bệnh cho người khác. Mảnh đất chật hẹp dành cho họ phía trước mặt là đại dương, phía sau là một dãy núi sừng sững bao quanh, khó bề thoát ra được. Lúc đó, người ta đã biết rõ thế nào là phong cùi: một bệnh làm cho thân xác mỗi ngày thêm thối rữa, người ta chứng kiến cảnh thối dần, thối dần, cho tới khi toàn thân biền thành cái thây ma. Khi bệnh phát hiện, người ta biết từ đây trở nên dị dạng dị hình, không thuốc men, chỉ có một việc là chờ chết.
Mọi người chỉ sống trong những túp lều cất bằng gốc cây già và lợp lá; quần áo của họ chỉ còn là những tấm giẻ rách thối tha. Nước quá thiếu để được tắm sạch, muốn có một chút khí để thở phải ra khỏi lều. Người bệnh nhẹ luôn bị ám ảnh trước mắt mình những khuôn mặt biến dạng, tay chân cụt ngủn đầy những ung nhọt, và rơi rụng dần dần, xông ra những mùi nồng nặc. Rồi đây họ cũng sẽ trở nên giống như vậy. Không ai săn sóc họ, họ chỉ sống nhờ nguồn tiếp tế duy nhất đến từ chính phủ Hawai. Khi dù mang thực phẩm được thả xuống, họ cướp giật tranh nhau, họ không thiết gì canh tác trồng trọt, chỉ có một điều cần duy nhất là rượu, uống rượu để quên hết những đau khổ và ưu phiền. Với những người mới đến, người ta tuyên bố ở đây không có luật lệ gì hết. Đó là sự thất vọng hoàn toàn, một sự dơ bẩn ghê tởm nhất. Không có ai mang lại cho những người xấu số này một chút hy vọng sao? Cho tới lúc đó, chỉ có những nhà truyền giáo tạm dừng chân một vài ngày rồi lại đi mất, nhưng Thiên Chúa đã không thể bỏ con cái Ngài.
Năm 1873, một nhóm sáu nhà truyền giáo họp với Đức Giám mục. Đức Giám mục bày tỏ: “Khắp nơi trong địa phận nhà đã được Phúc âm hóa”. Một trong các vị truyền giáo trả lời: “Thưa Đức Cha, Đức Cha đã quên một hòn đảo, phải, hòn đảo đó là Molokai. Các nơi khác có thể là thiên đàng, nhưng Molokai quả là một hỏa ngục”. Một vị khác tuyên bố: “Con đây sẵn sàng được chôn sống giữa họ”. Mọi người quay nhìn vị truyền giáo đó và nhận ra là cha Đamiên, một linh mục trẻ, sinh tại nước Bỉ vào năm 1840 và từ 18 tuổi, đã ước ao làm nhà truyền giáo. Ngài có mặt ở quần đảo Hawai từ 10 năm nay, thay thế anh ruột mình, một linh mục trẻ định sang truyền giáo ở đây nhưng chết trước khi thi hành ý nguyện. Đức Giám Mục chấp thuận đề nghị nhưng với ý định chỉ để cha ở đó ít tháng thôi.
Sau một thời gian, Đức Giám mục nhận được thư những người hủi, trong đó có viết: “Thưa Đức Cha, cám ơn Đức Cha vì đã gởi đến cho chúng con một linh mục, nhưng tại sao Ngài lại muốn cất linh mục ấy đi, vì linh mục này yêu thương chúng con nồng nàn và rất muốn ở lại với chúng con?”. Đức Giám Mục bằng lòng chấp thuận, và trước mặt những tín hữu mới của Ngài, cha Đamiên tuyên bố: “Các con quý mến, cha sẽ ở với các con cho đến mãn đời. Đời sống các con là đời sống của cha, và nếu Chúa muốn, một ngày nào đó bệnh của các con cũng là bệnh của cha. Cha sẵn sàng trở nên hủi với chúng con”. Trong cái nghĩa địa sống đó, cha Đamiên không ngừng làm phát triển đức ái.
Một ngày khi trở về lều mình, cha nghe một tiếng yếu ớt phát ra từ miệng hố. Ngài nhìn xuống và thấy một người hủi nằm gọn trong đó. Ngài hỏi: “Con làm gì ở dưới vậy?”, người hủi trả lời: “Những người khác đuổi con, con không chống lại được, người ta nói con không cần lều để chết”. Cha Đamiên đưa người đó vào lều mình và đặt người đó trên giường mình.
Lần khác, Ngài đi ngang qua một hố đổ rát, thấy một người đẩy một chiếc xe cút kít, sau đó hắt một vật gì trên xe xuống đống rác, cha tưởng là đồ dơ, nhưng khi vật đụng đến đất, một tiếng người khẽ rên lên. Người ta đã không đợi cho anh ấy thở hơi cuối cùng để vứt vào đống rác.
Cha Đamiên, từ đó, tự đi đóng cho mỗi người một cái hòm. Để chôn những người xấu số này, cha đã lập một nghĩa địa. Cha Đamiên lo lắng chăm sóc cho hết mọi người, băng bó mọi vết thương, đỡ nâng những người không đi nổi, khai mở nước từ xa về để cho người phong cùi tắm rửa sạch sẽ. Những túp lều cũ thối hôi đầy gián, mối, cha phá đi để cất những lều mới. Cha Đamiên quả thật là một người cha của mọi người, ngay cả đối với những người lúc đầu tìm cách trục xuất Ngài khỏi đó. Có những lúc Ngài gặp những trở ngại to lớn: chính phủ từ chối không cho Bề trên Ngài đến thăm Ngài, hay đến nơi Ngài ở. Ngài đành phải đứng dưới thuyền để xưng tội to tiếng cùng với một linh mục đứng giải tội trên tàu, vì sợ lây bệnh, nhà nước không cho cha ấy xuống đảo.
Năm 1885, sau một lần đi thăm bệnh trở về, cha thấy chân mình nhúng vào nước sôi mà không biết nóng. Đó là dấu Ngài bị lây hủi. Ngài viết cho Đức Giám Mục: “Người ta thấy có những vết đỏ trên má con, bên tai trái con, lông mày rụng, rồi đây con sẽ trở nên dị dạng. Con cảm thấy rất an bình và hạnh phúc hơn bao giờ ở giữa dân tộc của con”. Ngài tiếp tục làm việc bốn năm nữa với cơn bệnh ngày càng phát triển. Ngày 30.03.1889, Ngài nằm liệt giường, Ngài nói: “Hãy xem tay tôi: các vết thương đều đóng lại, vảy trở thành đen. Đó là dấu chỉ sự chết đến gần. Hãy xem mắt tôi: tôi đã giúp bao người hủi hấp hối, tôi không lầm, sự chết không còn xa”. Ngài chết ngày 15.04.1889.
Tấm gương anh hùng trên đây đã nhắc cho chúng ta bổn phận sống lời cam kết mà chúng ta đọc mỗi ngày: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Loan truyền và tuyên xưng không phải chỉ bằng môi miệng, hay như người ta thường nói “đầu môi chót lưỡi”, nhưng bằng chính cuộc sống mình. Biết hy sinh, biết chết đi như Chúa Kitô trên thập giá, như cha Đamiên tông đồ người hủi, trong niềm hy vọng sống lại với Chúa.
Không cần gì dốc lòng nhiều lời, hãy cố tâm thực hiện cho bằng được những cử chỉ, dầu nhỏ mọn, để hy sinh và mang lại niềm hy vọng, được như thế, là chúng ta đạt được những gì Chúa muốn và những gì lòng ta, những linh mục chân chính, đầy thiện chí, hằng ước mơ.
+ GM Phêrô Nguyễn Soạn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét